CÔNG VIÊN TRƯỜNG SA – NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG TUYÊN TRUYỀN CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO
Nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Hải dương học, Công viên Trường Sa trải rộng trên diện tích khoảng 300 m2 bờ biển và 3.100 m2 diện tích mặt nước.
Toàn cảnh Công viên Trường Sa
Được khánh thành vào ngày 14/9/2017 – nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Viện Hải dương học, Công viên trưng bày những hiện vật đặc trưng của Trường Sa như cột mốc chủ quyền, đèn hải đăng, cây Bàng vuông, bia đá chủ quyền,...
TS. Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và GS VS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện HL KH&CN VN mở băng khánh thành
Những hiện vật trên Công viên như mô hình Cột mốc chủ quyền, mô hình Đèn hải đăng, cây Bàng vuông
Gây ấn tượng nhất đối với du khách là Bản đồ địa hình đáy Trường Sa được thực hiện theo mô hình 3D. Bản đồ do các nhà địa chất của Viện thiết kế dựa trên những số liệu được thu thập từ những chuyến khảo sát trong nhiều năm. Trên bản đồ thể hiện vị trí, độ sâu từng hòn đảo, bãi cạn, đồi ngầm, từ đó người xem có thể dễ dàng hình dung một cách đầy đủ và chi tiết về Trường Sa.
Bản đồ 3D địa hình đáy quần đảo Trường Sa
Không chỉ đặc biệt bởi những hiện vật và mô hình trên bờ biển, dưới mặt nước tĩnh lặng tại Công viên là một hệ sinh thái rạn san hô rất đa dạng và phong phú. Kết quả khảo sát cho thấy có hàng chục loài san hô đang sinh sống, tạo thành rạn – nơi trú ngụ của rất nhiều loài sinh vật như thực vật biển, cá, giun nhiều tơ, thân mềm. Một số khối san hô Porites sp. có đường kính lên đến 3 m, ước tính phải mất hàng trăm năm mới hình thành bởi giống san hô này chỉ tăng trưởng khoảng 1 cm mỗi năm. Ngoài ra, còn có gần 100 khối san hô khác đường kính trên 0.5 m tuổi đời vài thập kỷ.
Một trong những khối san hô Porites sp.có đường kính trên 3m, ước tính hàng trăm năm tuổi.
Đây thực sự là một hệ sinh thái rạn san hô gần bờ có lịch sử lâu đời, thành phần loài phong phú, cần được gìn giữ và bảo tồn. Hệ sinh thái rạn san hô tại Công viên Trường Sa còn là “một nhà máy lọc” cung cấp nguồn nước biển sạch cho hoạt động Hồ cá Bảo tàng và những nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Viện Hải dương học.
Cùng với những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng về tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa, Công viên Trường Sa thực sự là một Trường Sa thu nhỏ trong lòng thành phố, nơi công chúng có thể tìm hiểu về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các vị khách tìm hiểu Bản đồ 3D Trường Sa tại Công viên