Nguyễn Xuân Vị, Nguyễn Hữu Đại, Nguyễn Thị Lĩnh,
Nguyễn Xuân Hòa và Phạm Hữu Trí
Rong Nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh,1873) là một loài rong thuộc ngành rong Lục (Chlorophyta), phân bố ở những vùng biển ấm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Shokita et al., 1991). Trong tự nhiên chúng mọc trên nền đáy là bùn cát, cát bùn ở những vũng vịnh kín sóng, nước trong. Tại Việt Nam, chúng được tìm thấy ở Phú Quốc (Phạm Hoàng Hộ, 1969). Chúng cũng đã được thử nghiệm nuôi trồng trong quy mô phòng thí nghiệm (Nguyễn Xuân Hòa và CS, 2004). Trên thế giới, việc nuôi trồng loài rong này đã được tiến hành từ những năm đầu của thập niên 50 tại Philippine. Nuôi đáy bằng hình thức sinh sản dinh dưỡng trong các ao đìa đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Thí nghiệm nuôi trồng thử nghiệm rong Nho đã được tiến hành tại các ao đìa nuôi tôm trong thời gian không sử dụng tại Cam Ranh bằng phương pháp sinh sản dinh dưỡng. Kết quả cho thấy rằng rong Nho phát triển tốt trên nền đáy là bùn cát. Trên đáy bùn pha cát tơi xốp, rong phát triển nhanh hơn (tốc độ tăng trưởng là 3,1g/m2/ngày). Trên đáy cát pha bùn, rong phát triển kém hơn, tốc độ tăng trưởng là 2,3g/m2/ngày). Mật độ nuôi ban đầu từ 100-200g/m2 là thích hợp cho các yếu tố về tăng trưởng và năng suất và hiệu quả kinh tế. Tỷ lệ giữa phần thân đứng (phần có giá trị nhất/toàn tản) không thay đổi nhiều ở các mức mật độ này. Nguồn giống nên dùng nguyên tản rong, bao gồm phần thân bò và thân đứng (tốc độ tăng trưởng là cao nhất: 3,07g/m2/ngày)