Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology trong năm 2021, cho biết có 1/3 các loài cá sụn trên thế giới bị đe dọa bị tuyệt chủng. Nguy cơ tuyệt chủng các loài cá sụn toàn cầu mà nguyên nhân hàng đầu là do khai thác quá mức chiếm 67,3% tổng số loài, cùng với 3 nguyên nhân khác là mất nơi cu trú là 31,2%, biến đổi khí hậu 10,2% và ô nhiễm 6,9%. Các nghiên cứu chỉ ra tính cấp thiết trong thực hiện các hành động để bảo tồn các loài cá sụn gồm quản lý giảm khai thác, thiết lập các khu vực bảo tồn cá mập và cá nhám, ngăn chặn hoạt động khai thác và buôn bán bất pháp trên phạm vi quốc gia và toàn cầu để đảo ngược xu thế tuyệt chủng loài.
Một số loài trước đây chưa có dữ liệu nhưng hiện nay chúng được đánh giá là rất nguy cấp (Endangered) và cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered), mặc dù giá trị sử dụng không cao, tỉ lệ chết chủ yếu là do bị đánh bắt không chủ đích (bycatch). Tại Việt Nam loài Cá đao răng nhọn Anoxypristis cuspidata (Latham, 1794) có thể bị tuyệt chủng (theo D'Anastasi và cs., 2013), đây là cảnh báo rất đáng chú ý. Tuy nhiên cần có thêm sự kiểm chứng, mặc dù loài này đã không còn bắt gặp trong thời gian dài.