Phát biểu tại buổi làm việc, GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh, Viện Hải dương học là đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu khoa học biển tại Việt Nam, với hơn 100 năm phát triển và đóng góp quan trọng vào bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu hệ sinh thái, cũng như phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Đặc biệt Viện Hải dương học là một đơn vị nghiên cứu được phát triển từ cơ sở nghiên cứu do toàn quyền Pháp tại Đông dương ký sắc lệnh thành lập năm 1922, Pháp đã và đang là đối tác chiến lược trong nhiều dự án khoa học lớn của Viện, từ nghiên cứu tác động của nuôi trồng thủy sản đến môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long, cho đến các dự án hiện nay như NEMESIS về hệ sinh thái vi khuẩn biển có đặc tính kháng kháng sinh. Với cơ sở vật chất kế thừa từ đối tác Pháp cùng với đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ cao, trong đó có nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo từ Pháp cũng như Đại học Việt – Pháp trực thuộc Viện Hàn lâm cùng với sự ủng hộ từ Chính phủ Pháp cũng như Đại sứ quán Pháp và các tổ chức nghiên cứu Pháp tại Việt Nam, VAST nói chung và Viện Hải dương học nói riêng đã và đang triển khai hiệu quả cơ hội tăng cường hợp tác với các đơn vị nghiên cứu biển và đại dương của Pháp.
Có mặt tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, cũng khẳng định sự đóng góp của Viện Hải dương học không chỉ quan trọng với tỉnh mà còn là nền tảng khoa học cho các chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Biển đã và đang mang lại cho Khánh Hoà một cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, nhiều giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và với định hướng phát triển mô hình tăng trưởng gắn với tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Khánh Hòa mong muốn Viện Hải dương học tiếp tục nhận được sự ủng hộ của VAST cũng như các đối tác Pháp trong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và ứng dụng để hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển bền vững của địa phương trong khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế kinh tế biển; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Olivier Brochet nêu rõ sự ra đời và phát triển của Viện Hải dương học tại Thành phố Nha Trang từ năm 1922 là minh chứng rõ rệt cho quan hệ hợp tác giữa Pháp và tỉnh Khánh Hòa; góp phần củng cố quan hệ ngoại giao đặc biệt có bề dày lịch sự giữa hai quốc gia Pháp và Việt Nam mà mới đây đã được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học biển giữa các tổ chức Pháp và Viện Hải dương học nói riêng và Viện Hàn lâm nói chung đã góp phần thực hiện mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai quốc gia trong việc tăng cường hợp tác trên ba lĩnh vực phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chủ quyền. Đại sứ Olivier Brochet cũng khẳng định, Đại sứ quán Pháp và các đơn vị phía Pháp mong muốn tăng cường các mối quan hệ hợp tác với VAST và các tổ chức khoa học tại Việt Nam; hướng tới hỗ trợ và phối hợp đào tạo nhân lực chất lượng cao; tiếp tục triển khai và phát triển dự án khoa học Pháp – Việt trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được xem cuốn film tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển của Viện Hải dương học từ khi thành lập (1922) với các đóng góp của Viện về sự hiểu biết các quy luật của biển Việt Nam nói riêng và Biển Đông nói chung, thông qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Viện và đóng góp vào sự phát triển của Viện Hàn lâm, của tỉnh Khánh Hòa; góp phần thúc đẩy giáo dục về Biển, Đại dương của Việt Nam; mở rộng hợp tác và tăng cường hội nhập quốc tế. Các đại biểu đã nghe báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) về những kết quả hợp tác giữa IRD và VAST trong nghiên cứu biển, bao gồm các chương trình nghiên cứu về tác động môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, bài trình bày của đại diện Trường Đại học Việt – Pháp (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH) đã khái quát sự ra đời và phát triển lớn mạnh của mô hình hợp tác giáo dục chất lượng cao giữa hai quốc gia Việt Nam và Pháp; vai trò của giáo dục và nghiên cứu trong lĩnh vực hải dương học, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển. GS.VS. Châu Văn Minh và Đại sứ Olivier Brochet cũng trao đổi, thảo luận về các hướng hợp tác trong thời gian tới như tăng cường nghiên cứu về ô nhiễm môi trường biển, bảo tồn hệ sinh thái biển, ứng dụng công nghệ trong quan trắc đại dương và đào tạo chuyên gia hải dương học,… Kết thúc buổi làm việc, đoàn đại biểu đã tham quan Bảo tàng Hải dương học, địa chỉ tham quan, khám phá, nghiên cứu khoa học tin cậy tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với bộ sưu tập gồm hàng chục nghìn tiêu bản, mẫu vật của hơn 6.000 loài sinh vật biển và hàng nghìn sinh vật biển sống của 400 loài đang được nuôi dưỡng và trưng bày cũng như nơi lưu giữ dấu ấn hợp tác lâu đời giữa hai quốc gia Việt - Pháp trong nghiên cứu khoa học biển.
Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân Ất Tỵ tại thành phố biển Nha Trang, chuyến thăm và làm việc tại Viện Hải dương học của Đại sứ Pháp tại Việt Nam không chỉ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho nghiên cứu khoa học biển, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên đại dương của Việt Nam.

GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm và Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam chủ trì buổi làm việc

PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm giới thiệu lịch sử phát triển của Viện với Đại sứ Olivier Brochet

Đoàn công tác trước Bảo tàng Hải dương học - địa chỉ tham quan, khám phá, nghiên cứu khoa học tin cậy tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á


Một số hình ảnh tại Bảo tàng Hải dương học và Đài thiên văn Nha Trang (Trung tâm vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)