HỘI THẢO
“KẾT QUẢ SƠ BỘ CỦA CÁC CHUYẾN KHẢO SÁT BIỂN
TRONG VÙNG NƯỚC TRỒI CỦA NAM VIỆT NAM”
CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC KHOA HỌC BIỂN GIỮA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Sau gần 3 năm thực hiện chương trình hợp tác theo nghị định thư giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, mà đại diện cho các đơn vị phía Việt Nam là Viện Hải Dương Học, Nha Trang (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và phía Đức là các Viện Nghiên cứu Biển Baltic (Rostock), Viện Sinh Địa Hóa và Viện Hải Dương Học (Trường Đại học Hamburg). Để thực hiện hợp phần nghiên cứu về nước trồi phía Nam Việt Nam, gần 20 nhà khoa học của Việt Nam và 15 nhà khoa học Đức thuộc các Viện nói trên đã tiến hành các đợt khảo sát VG-2 và VG-3 trong năm 2003, VG-4, VG-5 và VG-7 trong năm 2004, và VG-8 trong năm 2005; đã thu thập trên 4.000 vật mẫu Sinh vật Phù du (Plankton) và trên 10.000 số liệu quan trắc về các điều kiện khí tượng-thủy văn, năng suất sinh học và muối dinh dưỡng trong đại dương ở các vùng ven bờ có độ sâu từ 50 mét cho đến vùng biển khơi có độ sâu >2.000 mét.
Hội thảo được tổ chức vào ngày 18 tháng 3 năm 2005 tại Viện Hải dương học. Tham dự Hội thảo có 45 thành viên của đoàn khảo sát và cán bộ khoa học của Việt Nam và Đức và Đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đã có 8 báo cáo trao đổi thông tin và kết quả sơ bộ được trình bày tại Hội thảo:
-
Hartmut Hein thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả về Các mô hình thủy văn trong khu vực nước trồi.
-
Nguyễn Kim Vinh trình bày các kết quả sơ bộ về Thủy văn và động lực trong vùng nước trồi.
-
Bùi Hồng Long giới thiệu Mô hình dòng chảy trong vùng nước trồi.
-
Anne Baumgart trình bày Kết quả chuyến khảo sát VG-8 về phân bố muối dinh dưỡng, oxy và Chlorophyll trong vùng nước trồi.
-
Nguyễn Ngọc Lâm giới thiệu về Quan sát các quần xã Sinh vật Phù du và hoạt động thu mẫu trong vùng nước trồi.
-
Deniz Bombar giới thiệu các kết quả Sự bổ sung nguồn nitrogen mới trong vùng nước trồi thông qua sự cố định Nitrogen.
-
Võ Duy Sơn trình bày Vài kết quả thực nghiệm về năng suất sơ cấp C14 và hô hấp trong vùng nước trồi.
-
Tống Phước Hoàng Sơn trao đổi về Kỹ thuật phân tích ảnh vệ tinh ứng dụng trước khảo sát vùng nước trồi.
Các nhà khoa học đã thảo luận chung và trao đổi sâu sắc các thông tin khoa học của từng nội dung nghiên cứu cụ thể.
Cuối buổi Hội thảo, đại diện 2 bên Việt Nam và Đức đã thảo luận về kế hoạch tổng kết giai đoạn 1 của chương trình hợp tác. Hai bên cũng đã thảo luận về chuyến khảo sát trên tàu SONNE năm 2006. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp cụ thể về kế hoạch khảo sát của tàu SONNE, kế hoạch tổng kết cũng như phát triển hợp tác khoa học biển giai đoạn 2.