Viện Hải dương học, dưới sự chỉ đạo của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ, đã phối hợp cùng các đối tác Đức tổ chức hội thảo “Hội thảo tổng kết chương trình hợp tác nghiên cứu biển Việt Nam – Đức: Tương tác đất liền – đại dương trong vùng biển ven bờ Nam Việt Nam” từ ngày 25 – 26/11/2009 tại Viện Hải dương học, TP. Nha Trang.
Hội thảo nhằm mục đích đánh giá các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong khuôn khổ chương trình hợp tác Nghị định thư Việt Nam - Đức, là diễn đàn để các nhà khoa học hai nước trao đổi và thảo luận các kết quả đạt được và khả năng tiếp tục hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực nghiên cứu biển.
Tham gia hội thảo có gần 80 cán bộ khoa học, trong đó có 19 khách nước ngoài là các nhà khoa học thuộc các cơ quan đối tác Đức: 1) Viện Nghiên cứu biển Baltic Warnemünde, ĐH Rostock; 2) Viện Sinh địa hóa và hóa học biển, ĐH Hamburg; 3) Viện Hải dương học, ĐH Hamburg; 4) Viện Khoa học Địa chất, ĐH Kiel; và 5) Trung tâm Sinh thái Biển nhiệt đới, ĐH Bremen. Ngoài ra, phía bạn còn có các đại biểu đến từ Quỹ Nghiên cứu Đức DFG và Tham tán phụ trách Hợp tác Khoa học của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Giám đốc, Ban Đối ngoại, Khu vực ĐNA, Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG).
Phía Việt Nam gồm có các đại biểu từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chi cục Môi trường miền Trung - Tây nguyên (Đà Nẵng, Tổng cục Môi trường), đại diện địa phương và các nhà khoa học đến từ các cơ quan tham gia chương trình gồm Viện Hải dương học, Viện Địa chất và Địa vật lý biển, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo được chia thành 6 tiểu ban theo 6 dự án của chương trình. Mỗi tiểu ban đã trình bày một báo cáo chung giới thiệu sơ lược về từng dự án và sau đó là các báo cáo về những kết quả đã đạt được. Hội thảo đã nghe 32 báo cáo do các nhà khoa học Việt Nam – Đức trình bày, như sau:
-
“Thông lượng sinh địa hóa vùng biển Việt Nam: đối phó với các hiện tượng ENSO và nóng lên ở kỷ Holocene” (3 báo cáo);
-
“Nghiên cứu vùng nước trồi và các quá trình liên quan ở vùng biển Nam Việt Nam” (7 báo cáo);
-
“Các quá trình tầng mặt và chu trình nitơ ở vùng biển ven bờ Nam Trung bộ: thí nghiệm Mesocosm, thực địa và mô hình hóa” (4 báo cáo);
-
“Quá trình tiến hóa vùng ven bờ, sự biến động mực nước biển, quá trình lắng đọng trầm tích lục nguyên và động lực học trầm tích vùng thềm lục địa giữa đồng bằng sông Mê Kông và Nha Trang, đông nam Việt Nam ở kỷ Holocene” (6 báo cáo);
-
“Động lực học trầm tích khu vực rừng ngập mặn” (6 báo cáo);
-
“Động lực học ở vành đai xanh trong khuôn khổ những biến động ven bờ dọc vùng bờ biển đông nam Việt Nam” (5 báo cáo).
Sau hội thảo, các nhà khoa học và quản lý có liên quan tới dự án rừng ngập mặn Cần Giờ có chương trình thực địa tại vùng nghiên cứu vào ngày 27/11/2009.
Hội thảo tổng kết đã đánh dấu một giai đoạn mới trong hợp tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản vùng biển ven bờ Nam Trung bộ và Nam bộ Việt Nam:
-
Cơ sở dữ liệu vùng nước trồi
-
Cơ chế hình thành nước trồi
-
Các đặc điểm sinh học sinh thái vùng nước trồi
-
Các đặc điểm kiến tạo, trầm tích hiện đại vùng ven bờ Đông và Tây Nam bộ
-
Đặc điểm sinh học sinh thái vùng rừng ngập mặn Đông Nam bộ
-
Đào tạo cán bộ khoa học (nghiên cứu sinh, sinh viên cao học)
-
Tăng cường năng lực nghiên cứu, chuyển giao một số thiết bị khảo sát đo đạc.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà quản lý và khoa học Việt Nam – Đức đã thảo luận về kế hoạch hợp tác nghiên cứu biển trong tương lai và đã nêu ra một số đề xuất hợp tác như sau:
-
Tổ chức chuyến khảo sát Việt – Đức trên vùng biển Việt Nam bằng tàu SONNE của Đức năm 2012, nghiên cứu về vật lý hải dương và chu trình sinh địa hóa.
-
Xây dựng một dự án hợp tác mới 3 bên Việt Nam – Đức – Trung Quốc nghiên cứu vùng vịnh Bắc Bộ, sử dụng tàu nghiên cứu của Đức
-
Tiếp tục phát triển các chương trình hợp tác song phương khuôn khổ nhỏ giữa các Viện nghiên cứu của hai nước.
Thông qua hội thảo khoa học này, các nhà khoa học của Việt Nam, Đức và các cơ quan nghiên cứu khác có cơ hội trao đổi kết quả nghiên cứu được, thảo luận về các lĩnh vực nghiên cứu, khả năng hợp tác trong tương lai; Và cũng chứng minh rằng các chương trình khoa học hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức mang lại nhiều kết quả về mặt khoa học, đào tạo nâng cao trình độ và tăng cường năng lực cho các cơ quan đối tác phía Việt Nam.
(Xem: Thời gian biểu và danh sách đại biểu tham dự Hội thảo)