Nắm bắt tình hình trên, Viện Hải dương học đã triển khai đề tài “Nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả thu giống và nuôi hàu thương phẩm để nhằm hạn chế tác động môi trường tại tỉnh Bến Tre”. Đề tài sử dụng nguồn ngân sách khoa học của tỉnh Bến Tre, do Thạc sĩ Cao Văn Nguyện chủ trì, phối hợp với Chi cục thủy sản của tỉnh và các hộ nông dân trên địa bàn thực hiện trong thời gian 2018- 2020.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy vỏ hàu cũ có thể thay thế hoàn toàn tấm Fibro xi măng làm giá thể. Không những vậy, hàu nuôi bằng loại giá thể thân thiện với môi trường này còn có tốc độ sinh trưởng nhanh, chi phí thấp, chỉ bằng 20-25% so với tấm Fibro xi măng và có thể tái sử dụng dài hạn mà không gây ô nhiễm môi trường. Quy trình nuôi theo phương pháp trên còn rút ngắn được thời gian từ 3-5 tháng so với phương pháp nuôi truyền thống nếu chọn được vị trí và mật độ thích hợp.
Đề tài đã mở ra triển vọng nghề nuôi hàu Bến Tre mang lại nguồn thu nhập ổn định và lâu dài cho người dân. Để làm được điều này, các cấp chính quyền có vai trò rất quan trọng trong việc quy hoạch vùng nuôi hợp lý, tuyên truyền vận động và giám sát việc sử dụng vật liệu an toàn với môi trường. Mặt khác, sự đồng thuận, hưởng ứng của các hộ nuôi là yếu tố quyết định sự thành công của hướng nuôi trồng thủy sản bền vững tại Bến Tre.
Hàu phát triển trên giá thể là vỏ hàu, thay thế loại vật bám bằng tấm Fibro xi măng, với chi phí giảm 75-80 %
Mô hình nuôi hàu bằng bè treo cho năng suất cao, rút ngắn thời gian nuôi từ 3-5 tháng
Hàu nuôi 10 tháng tuổi đạt kích thước từ 7-8con/kg.
Người đưa tin:
Cao Văn Nguyện
Phòng Công nghệ nuôi Trồng- Viện Hải dương học