19 Tháng Tư 2024  
..:: Trang chủ » Xuất bản » Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển ::..   Đăng nhập
 Trang chủ Đóng
    
 Số lượt truy cập Đóng
    
 Người Online Đóng
Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 418
Thành Viên Thành Viên: 0
Tổng Số Tổng Cộng: 418

Đang Online Đang Online:
    
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển Đóng
Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển 2005

Phụ trương một số kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ
Năm xuất bản: 2005
Nơi lưu trữ: Viện Hải Dương Học
Loại tài liệu: Tạp chí khoa học và công nghệ biển

Mục lục
 

1.

Võ Văn Lành, Tống Phước Hoàng Sơn. Về điều kiện địa lý tự nhiên hình thành chế độ thủy văn Biển Đông.

2.

Bùi Hồng Long, Trần Văn Chung. Một vài kết quả tính toán dòng triều theo mô hình ba chiều tại đầm Thị Nại (Quy Nhơn).

3.

Lã Văn Bài, Ngô Mạnh Tiến, Phạm Xuân Dương. Tham số hóa các cấu trúc hải dương lớp nước mặt Biển Đông.

4.

Lê Đình Mầu. Tính toán các đặc trưng sóng tại vùng nước nông ven bờ bằng mô hình số trị – SWAN.

5.

Nguyễn Bá Xuân. Một số kết quả đo đạc dòng chảy lớp mặt tại vùng biển quanh đảo Hòn Lớn – vịnh Vân Phong.

6.

Trịnh Thế Hiếu. Cấu tạo và thành phần trầm tích đệ tứ muộn trên sườn lục địa vùng biển phía nam Việt Nam.

7.

Nguyễn Đình Đàn, Tôn Nữ Mỹ Dư. Một số đặc điểm địa hóa trầm tích đáy vịnh Quy Nhơn.

8.

Lê Thị Vinh, Nguyễn Hồng Thu, Dương Trọng Kiểm, Phạm Hữu Tâm. Hàm lượng các yếu tố dinh dưỡng trong nước vịnh Nha Trang năm 2004.

9.

Hồ Văn Thệ, Nguyễn Ngọc Lâm. Tảo Hai Roi (Dinophyta) trong vịnh Nha Trang.

10.

Nguyễn Thị Mai Anh, Đoàn Như Hải. Biến đổi mùa vụ tảo Silic Chaetoceros Ehrenberg (Bacillariophyceae) trong vịnh Nha Trang năm 2003.

11.

Nguyễn Ngọc Lâm, Steve Morton. Loài tảo Hai Roi sống đáy độc hại Prorocentrum arabianum Morton & Faust, 2002 phân lập ở vùng triều, vịnh Phan Rí, miền Nam Trung Bộ Việt Nam.

12.

Nguyễn Hữu Đại, Lê Như Hậu. Một số loài rong biển mới bổ sung cho Việt Nam – Phần III.

13.

Võ Văn Quang, Trần Thị Lê Vân. Biến động mật độ trứng cá của loài cá Cơm Sọc Xanh Stolephorus zollingeri (Bleeker, 1849) ở vùng biển vịnh Nha Trang – Khánh Hòa.

14.

Đào Tấn Hỗ. Mô tả các loài Da Gai (Echinodermata) bổ sung cho khu hệ động vật không xương sống biển Việt Nam (Phần I: Các loài Đuôi Rắn - Ophiuroidea).

15.

Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Tác An, Nguyễn Phi Uy Vũ, Hoàng Đức Lư. Một số sinh vật biển phát quang dưới sự kích họat của ánh sáng cực tím ở vịnh Nha Trang.

16.

Đỗ Tuyết Nga, Đào Việt Hà, Phạm Xuân Kỳ, Lê Công Đại. Hợp chất lipid, không xà phòng hóa và sterol trong một số loài hai mảnh vỏ đầm Nha Phu (Khánh Hòa).

17.

V. I. Zvalinsky, Nguyễn Tác An. Mô phỏng định lượng mối quan hệ giữa quá trình quang hợp trong biển với cường độ chiếu sáng, hàm lượng khí cacbonic và khả năng khuếch tán của nó.

18.

Lê Thị Vinh, Phạm Văn Thơm, Dương Trọng Kiểm, Nguyễn Hồng Thu, Phạm Hữu Tâm. Hiệu quả của việc xử lý và quản lý nước thải tại các khu công nghiệp Suối Hiệp và Suối Dầu (Khánh Hòa).

19.

Lê Thị Vinh. Ảnh hưởng của hạt Nix từ nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin tới hàm lượng kim loại trong Hàu Saccostrea cucullata, vịnh Vân Phong.

20.

Phạm Thị Dự, Đỗ Hữu Hoàng, Hoàng Trung Du, Võ thị Hải Thi. Một số kết quả về thử nghiệm nuôi ghép Vẹm Xanh Perna viridis với Tôm Hùm ở Xuân Tự (Vạn Ninh, Khánh Hòa).

21.

Lê Thị Thu Thảo, Hồ Bá Đỉnh, Võ Văn Quang, Nguyễn Phi Uy Vũ, Trần Thị Hồng Hoa. Thành phần thức ăn và đặc điểm sinh sản của loài cá Ngừ Ồ Auxis rochei (Risso, 1810) ở Nha Trang – Khánh Hòa

22.

Võ Thế Dũng, G. A. Bristow, Nguyễn Hữu Dũng, Võ Thị Dung, Nguyễn Thị Thanh Thùy. Thành phần ký sinh trùng ở một số loài cá Mú thuộc giống Epinephelus ở khu vực Khánh Hòa.

23.

Lê Thị Thu Hà. Nuôi trồng thủy sản ven bờ – Bài học từ kinh nghiệm quản lý của Thái Lan.

 ------------------------------------------------------
VỀ ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN HÌNH THÀNH
CHẾ ĐỘ THỦY VĂN BIỂN ĐÔNG

Võ Văn Lành, Tống Phước Hoàng Sơn

Tóm tắt: Bài báo xem xét một cách khái quát điều kiện địa lý tự nhiên quyết định sự hình thành các đặc điểm chế độ thủy văn Biển Đông. Đó là gió và ứng suất gió, cân bằng bức xạ và cân bằng nhiệt, cán cân nước ngọt và sự lưu thông nước với các thủy vực kế cận.
Biển Đông chịu tác động của 2 loại gió chính là gió mùa Đông Bắc (tháng 11-3) và gió mùa Tây Nam (tháng 5-9) với tốc độ trung bình tương ứng là 7-8m/s và 5-6m/s. Ngoài ra còn có 2 loại gió chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10) với cường độ nhỏ hơn (3-5m/s) và kém ổn định hơn. Hướng gió trong hai mùa gió chính là song song và ngược chiều nhau (hướng Đông Bắc và Tây Nam).
Nói chung, Biển Đông là vùng biển thu nhiệt qua mặt phân cách giữa biển và khí quyển. Đối với vùng biển Tây Nam, dòng nhiệt thu có thể đạt khoảng 5Kcal/cm2/tháng, dòng nhiệt rối bình lưu trong lớp nước bề mặt có thể đạt từ 0-2Kcal/cm2/tháng đến -10Kcal/cm2/tháng, trung bình -5Kcal/cm2/tháng. Ở đây, lượng mưa trung bình là 1.720mm/năm, lượng nước bốc hơi trung bình là 1.860mm/năm. Lượng nước đổ ra từ hệ thống sông Cửu Long là 500-550km3/năm. Tổng lượng nước lục địa đổ ra Biển Đông có thể đạt trên 1.000km3/năm.
Từ các điều kiện địa hình đáy biển và các eo biển, có thể thấy rằng không có sự lưu thông đầy đủ nước giữa Biển Đông với các biển kế cận. Lượng nước qua các eo phía bắc lớn hơn nhiều so với các eo phía nam. Đối với lớp nước từ tầng 50-100m đến 2.600m, Biển Đông hầu như chỉ liên hệ với bên ngoài (biển Philippines) qua eo Luzon, còn đối với lớp nước từ 2.600m đến đáy, Biển Đông biệt lập hoàn toàn so với bên ngoài.

 ------------------------------------------------------
MỘT VÀI KẾT QUẢ TÍNH TOÁN DÒNG TRIỀU THEO
MÔ HÌNH BA CHIỀU TẠI ĐẦM THỊ NẠI (QUY NHƠN)

Bùi Hồng Long, Trần Văn Chung

Tóm tắt: Tính toán các yếu tố thủy động lực, trong đó có dòng triều, là một trong những nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững khu vực đầm Thị Nại. Trong bài báo này, việc tính dòng triều theo mô hình ba chiều tuyến tính được thực hiện cho một thủy vực tương đối kín. Các đặc điểm phân bố dòng triều theo không gian và các kết quả tính toán dòng triều theo độ sâu tại khu vực này cho thấy:
- Khi thủy triều xuống gần mực nước trung bình, tốc độ dòng triều là rất nhỏ.
- Tốc độ dòng triều trong giai đoạn triều lên thường lớn hơn giai đoạn triều xuống.
- Dòng triều cực đại tại thời điểm chân triều có giá trị nhỏ hơn so với thời điểm đỉnh triều, còn dòng triều trung bình trong toàn vùng đầm lại có xu thế ngược lại. Cụ thể trên bề mặt, tại thời điểm chân triều, dòng triều đạt cực đại 23,7cm/s so với 26,7 cm/s tại đỉnh triều, nhưng đối với dòng triều trung bình (cho cả cột nước), thì tại chân triều lại lớn hơn với 8,0cm/s so với 7,1cm/s lúc đỉnh triều.

 -----------------------------------------------------
THAM SỐ HÓA CÁC CẤU TRÚC HẢI DƯƠNG
LỚP NƯỚC MẶT BIỂN ĐÔNG

Lã Văn Bài, Ngô Mạnh Tiến, Phạm Xuân Dương
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Nghiên cứu và phân chia các khối nước ở tầng mặt Biển Đông thường gặp nhiều khó khăn vì tính chất biến động và sự phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố hình thành chúng. Công trình này ứng dụng phương pháp xấp xỉ để tham số hóa cấu trúc lớp nước mặt Biển Đông nhằm đơn giản hóa quá trình nhận dạng và phân định chúng qua “trường số hóa” để phục vụ mô hình hóa và dự báo. Phân bố không gian của hệ số A0, A1 và dị thường của các yếu tố nghiên cứu đã mô tả khá tốt các đặc điểm cấu trúc thủy văn của lớp nước mặt Biển Đông (LNMBĐ) trong mùa đông và mùa hè.


-----------------------------------------------------
TÍNH TOÁN CÁC ĐẶC TRƯNG SÓNG TẠI VÙNG NƯỚC NÔNG
VEN BỜ BẰNG MÔ HÌNH SỐ TRỊ - SWAN

Lê Đình Mầu
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: SWAN (Simulating WAves Nearshore) là mô hình số trị tính sóng thế hệ thứ 3. Mô hình được xây dựng trên cơ sở phương trình cân bằng phổ sóng hoạt động, dùng để tính toán sự truyền sóng trên vùng nước nông ven bờ có địa hình và dòng chảy biến đổi phức tạp như vùng cửa sông, lạch thủy triều, đảo và doi cát…..SWAN cho phép tính toán các hiệu ứng như khúc xạ, nước nông, phản xạ, ma sát đáy, đổ nhào, sóng bạc đầu, sự tạo sóng bởi gió địa phương, tương tác phi tuyến giữa sóng - dòng chảy, sóng – sóng. Các đặc trưng sóng ngoài khơi được xác định bằng mô hình số trị Dolphin, đây là mô hình phổ năng lượng sóng cho phép tính toán kết hợp sóng gió và sóng lừng. Qui trình tính sóng trên đã được áp dụng cho vùng biển Cửa Đại (Hội An) trong một số trường hợp tạo sóng điển hình, số liệu tính toán phù hợp khá tốt với số liệu đo đạc. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng đảo Cù Lao Chàm, trường gió địa phương và hệ dòng chảy có vai trò rất quan trọng trong việc phân bố năng lượng sóng tại khu vực nghiên cứu. Có thể áp dụng mô hình số trị SWAN để tính toán sự truyền sóng trong vùng nước nông ven bờ có điều kiện tạo sóng phức tạp trên toàn dải ven biển Việt Nam.

-----------------------------------------------------
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐO ĐẠC DÒNG CHẢY LỚP MẶT TẠI VÙNG BIỂN
QUANH ĐẢO HÒN LỚN -VỊNH VÂN PHONG

Nguyễn Bá Xuân
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Đặc điểm dòng chảy tổng hợp trong tháng III tại các vùng quanh đảo Hòn Lớn là chiếm ưu thế theo các hướng thiên Bắc với tần suất lớn hơn 65% và có tốc độ cực đại là 30 cm/s. Kết quả tính toán thành phần dòng lưu dư cũng nhận thấy có xu thế tương tự như dòng chảy tổng hợp. Ở các vùng phía tây đảo Hòn Lớn, dòng triều chiếm ưu thế là dòng nhật triều K1, O1, trong khi đó ở lạch Cổ Cò, dòng triều chiếm ưu thế lại là dòng bán nhật triều M2, S2. Từ các các kết quả nghiên cứu nhận được có thể rút ra nhận xét khái quát về đặc điểm dòng chảy quanh đảo Hòn Lớn, đó là sự tồn tại một hệ dòng chảy chiếm ưu thế trong việc vận chuyển nước từ các vùng khơi vào vịnh Vân Phong thông qua lạch Cổ Cò và dải ven biển phía tây đảo Hòn Lớn-vịnh Vân Phong.

-----------------------------------------------------
CẤU TẠO VÀ THÀNH PHẦN TRẦM TÍCH ĐỆ TỨ MUỘN
TRÊN SƯỜN LỤC ĐỊA VÙNG BIỂN PHÍA NAM VIỆT NAM

Trịnh Thế Hiếu
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu các cột mẫu trầm tích thu được trên sườn lục địa vùng biển phía nam Việt Nam, khu vực từ 7o 30’ đến 10o 30’ vĩ độ Bắc. Trong các cột mẫu thể hiện khá rõ hai lớp khác nhau. Theo kết quả phân tích vi cổ sinh và đồng vị cacbon, kết hợp với những kết quả của các nghiên cứu đã công bố liên quan đến Biển Đông, thì lớp dưới được xếp vào Pleistocen muộn và được phân biệt với lớp phủ Holocen bởi tổ hợp các đăc điểm trầm tích, địa hóa, vi cổ sinh. Những đặc trưng này chứng tỏ rằng, lớp trầm tích ở phần dưới của mặt cắt đã được thành tạo trong giai đoạn có nguồn cung cấp vật liệu lục nguyên lớn từ lục địa. Hiện tượng này liên quan với sự dịch chuyển của hệ thống delta sông Cửu Long- sông Đồng Nai trong giai đoạn mực nước biển dâng cao chân tĩnh.


-----------------------------------------------------
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÓA TRẦM TÍCH ĐÁY VỊNH QUY NHƠN

Nguyễn Đình Đàn, Tôn Nữ Mỹ Dư

Tóm tắt: Vịnh Quy Nhơn nằm ở phía Đông thành phố Quy Nhơn, Bình Định, có độ sâu không quá 30m, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố Quy Nhơn-Bình Định, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Một số yếu tố địa hóa của trầm tích đáy vịnh đã được nghiên cứu và giới thiệu trong bài báo này. Các đặc điểm phân bố và sự biến thiên hàm lượng của các chất dinh dưỡng như: cacbon hữu cơ, nitơ tổng số, phốtpho tổng số, các kim loại nặng như: đồng, chì, kẽm và các chỉ số pH đất, tỉ số C/N và Fe3+/Fe2+ được xem xét trong mối quan hệ với nhau.
Kết quả chỉ ra rằng hàm lượng các chất dinh dưỡng và kim loại nặng đều có xu hướng giảm dần từ Bắc xuống Nam, trong đó, vùng phía Tây Bắc vịnh có sự tập trung cao hàm lượng của các chất dinh dưỡng và kim loại nặng trong trầm tích bùn hiện đại. Chất lượng môi trường trầm tích vịnh Quy Nhơn nói chung hiện nay còn tốt.

-----------------------------------------------------
HÀM LƯỢNG CÁC YẾU TỐ DINH DƯỠNG TRONG NƯỚC
VỊNH NHA TRANG năm 2004

Lê Thị Vinh, Nguyễn Hồng Thu,Dương Trọng Kiểm, Phạm Hữu Tâm
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Bài báo trình bày sự phân bố hàm lượng của các yếu tố dinh dưỡng trong môi trường nước vịnh Nha Trang năm 2004. Các số liệu thu được cho thấy hàm lượng các yếu tố ammonia, nitrite trong cột nước không đáng kể. Hàm lượng nitrate và silicate ở mức trung bình. Không có sự khác biệt về hàm lượng các muối dinh dưỡng giữa 2 mùa mưa, khô và giữa các trạm khảo sát trừ trường hợp hàm lượng phosphate trong mùa mưa cao hơn so với mùa khô.
Căn cứ theo một số tiêu chuẩn nước thủy sản hiện hành, chất lượng môi trường nước ven bờ vịnh Nha Trang còn khá tốt mặc dù hàm lượng phosphate đã cao hơn giá trị cho phép tại một số trạm vào mùa mưa, đặc biệt là các trạm phía nam vịnh. Phosphate đóng vai trò của yếu tố dinh dưỡng giới hạn trong mùa khô và nitrate đóng vai trò của yếu tố dinh dưỡng giới hạn trong mùa mưa.


-----------------------------------------------------
TẢO HAI ROI (DINOPHYTA) TRONG VỊNH NHA TRANG

Hồ Văn Thệ, Nguyễn Ngọc Lâm
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt : Báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu biến đổi mùa vụ Tảo Hai Roi ở vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) trong năm 2003. Đã xác định được 103 loài Tảo Hai Roi thuộc 6 bộ, 17 họ, 24 chi trong vịnh Nha Trang. Mật độ tế bào Tảo Hai Roi dao động rất lớn theo thời gian trong năm, tháng thấp nhất 220 tế bào/lít (tháng III), tháng cao nhất 7.550 tế bào/lít (tháng X). Trong năm, có 2 đỉnh cao về mật độ, mùa khô (tháng VIII – 3.450 tế bào/lít), mùa mưa (tháng X – 7.550 tế bào/lít). Sinh khối trung bình Tảo Hai Roi dao động trong khoảng 0,59 – 2,82 µgC/L. Các phân tích về mối quan hệ giữa mật độ, sinh khối của Tảo Hai Roi và các yếu tố môi trường thể hiện không rõ ràng.
Từ khóa: Tảo Hai Roi, Sinh vật lượng, Mật độ tế bào, Biến đổi mùa vụ, Vịnh Nha Trang.


-----------------------------------------------------
BIẾN ĐỔI MÙA VỤ TẢO SILÍC CHAETOCEROS EHRENBERG(BACILLARIOPHYCEAE) TRONG VỊNH NHA TRANG NĂM 2003

Nguyễn Thị Mai Anh & Đoàn Như Hải
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Mật độ và sinh khối tảo Chaetoceros trong vịnh Nha Trang biến thiên từ 0,07x103 TB/L và 0,007 µgC/L đến 111,74x103TB/L và 6,28µgC/L. Có hai đỉnh cao vào tháng VII và tháng XI do sự thay thế về thành phần loài tạo nên. Tháng VII (mùa khô) là những loài có kích thước vừa và nhỏ như C. affinis, C. laciniosus, Chaetoceros compressus, C. messanensis, tháng X-XI (mùa mưa) lại là các loài có kích thước lớn như Chaetoceros lorezianus, C. pseudobrevis, C. brevis, C. decipiensis. Sinh khối và mật độ Chaetoceros ở tầng mặt cao hơn tầng đáy 2 lần. Không khác biệt giữa mùa mưa và mùa khô cũng như phía nam và bắc vịnh.

-----------------------------------------------------
LOÀI TẢO HAI ROI SỐNG ĐÁY ĐỘC HẠI PROROCENTRUM ARABIANUM MORTON ET FAUST PHÂN LẬP Ở VÙNG TRIỀU, VỊNH PHAN RÍ, MIỀN NAM TRUNG BỘ VIỆT NAM

Nguyễn Ngọc Lâm1, Steve Morton2
1
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
2Trung Tâm Nghiên Cứu Ven Bờ, Môi Trường và Sinh Học Phân Tử thuộc Cục Hải Dương Học Quốc Gia (NOAA), Hoa Kỳ

Tóm tắt: Các tế bào Tảo Hai Roi sống đáy được phân lập từ rong Bún Liagora sp. trong vùng triều vịnh Phan Rí, Bình Thuận. Các nghiên cứu chi tiết về hình thái học cho thấy loài có tên là Prorocentrum arabianum, là loài mới ghi nhận lần đầu tiên ở vùng biển Việt Nam. Tế bào hình xoan rộng, rộng từ 38 - 40 µm và dài từ 40 - 45 µm. Bề mặt tế bào thô ráp với các lỗ vỏ, ngoại trừ phần trung tâm tế bào. Nhân lớn và ở vị trí phía dưới của tế bào, thể tạo bột ở chính giữa tế bào. Đai xen giữa hai mặt vỏ phải và trái mịn với các vân ngang. Các phân tích độc tố cho thấy tế bào sản sinh một phức hợp không phân cực gây độc tế bào và một phức hợp độc tố phân cực gây chết cá.

-----------------------------------------------------
MỘT SỐ LOÀI RONG BIỂN MỚI BỔ SUNG
CHO VIỆT NAM - PHẦN III

1Nguyễn Hữu Đại, 2Lê Như Hậu
1Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
2Phân Viện Khoa Học Vật Liệu (Nha Trang)

Tóm tắt: Năm loài rong biển thuộc các ngành rong Đỏ và rong Nâu đã được xác định và mô tả đó là Stenopeltis setchelliae (Yamada) Itono & Yoshizaki, Helminthocladia australis Harvey, Liagora filiformis Fan & Li, Wrangelia tanegana Harvey thuộc ngành rong Đỏ và Hydroclathrus tenuis Tseng & Lu thuộc ngành rong Nâu. Chúng được thu thập ở ven biển các tỉnh Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Khánh Hòa (Nha Trang, Trường Sa) và Ninh Thuận (Ninh Hải). Đó là các loài rong bổ sung mới cho khu hệ rong biển Việt Nam.


-----------------------------------------------------
BIẾN ĐỘNG MẬT ĐỘ TRỨNG CÁ CỦA LOÀI CÁ CƠM SỌC XANH
Stolephorus zollingeri (Bleeker, 1849) Ở VÙNG BIỂN
VỊNH NHA TRANG – KHÁNH HÒA

Võ Văn Quang, Trần Thị Lê Vân
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Bài báo trình bày về biến động mùa vụ của mật độ trứng loài cá Cơm Sọc Xanh (Stolephorus zollingeri), được thu thập hàng tháng liên tục trong năm 2003 ở vùng biển vịnh Nha Trang. Kết quả cho thấy vịnh Nha Trang là bãi đẻ quan trọng của loài cá này, mật độ trung bình 258,8 trứng/100m3 và tất cả các tháng đều có xuất hiện trứng cá, nhưng tập trung nhất vào các tháng 3 (đầu mùa khô) và tháng 9 (đầu mùa mưa). Trứng cá tập trung ở khu vực phía bắc vịnh.

-----------------------------------------------------
MÔ TẢ CÁC LOÀI DA GAI (ECHINODERMATA) BỔ SUNG CHO KHU HỆ ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG BIỂN VIỆT NAM
(PHẦN I: CÁC LOÀI ĐUÔI RẮN - OPHIUROIDEA)

Đào Tấn Hỗ
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Trong các chuyến nghiên cứu gần đây về động vật đáy nói chung và động vật Da Gai nói riêng, một số loài Da Gai đã được phát hiện và bổ sung cho danh mục thành phần loài động vật không xương sống biển Việt Nam. Số loài này sẽ được lần lượt mô tả trong các kỳ xuất bản của “Tuyển Tập Nghiên Cứu Biển”.
Báo cáo này mô tả 06 loài thuộc lớp Đuôi Rắn (Ophiuroidea) sau đây: Ophionephthys difficilis, Ophiomastix variabilis, Ophionereis variegata, Ophiarachnella septemspinosa, Ophiarachnella snelliusi và Ophiolepis rugosa. Mỗi loài ngoài phần mô tả (với hình ảnh), còn kèm theo các thông tin liên quan của mẫu vật như: nơi thu mẫu, ngày thu, độ sâu, chất đáy...


-----------------------------------------------------
MỘT SỐ SINH VẬT BIỂN PHÁT QUANG DƯỚi SỰ KÍCH HOẠT
CỦA ÁNH SÁNG CỰC TÍM Ở VỊNH NHA TRANG

Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Tác An, Nguyễn Phi Uy Vũ, Hoàng Đức Lư
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Bài viết là công trình đầu tiên ở nước ta nghiên cứu về sinh vật biển phát quang dưới sự kích hoạt của ánh sáng cực tím (UV). Kết quả khảo sát và thực nghiệm ở vịnh Nha Trang vào năm 2004, đã phát hiện và xác định 17 chủng loại thủy sinh có khả năng phát quang trong bóng tối và dưới sự kích hoạt đèn UV. Trong đó, phần lớn là các thủy sinh thuộc nhóm San Hô Cứng (14 loại), 1 San Hô Mềm và 2 Hải Quì. Quá trình nuôi nhốt một số thủy sinh phát quang ở Bảo Tàng Hải Dương Học cho thấy chúng có khả năng sống dài ngày.
Việc nghiên cứu bản chất và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về thủy sinh vật phát quang nói trên vào phục vụ khách thăm quan du lịch đang được thực hiện và khả thi trong điều kiện hiện có của Viện Hải Dương Học.

-----------------------------------------------------
HỢP CHẤT LIPID, KHÔNG XÀ PHÒNG HÓA VÀ STEROL TRONG MỘT SỐ LOÀI HAI MẢNH VỎ ĐẦM NHA PHU (KHÁNH HÒA)

Đỗ Tuyết Nga, Đào Việt Hà, Phạm Xuân Kỳ, Lê Công Đại
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Hàm lượng lipid của cơ Vẹm Xanh cao nhất là 1,073%, của nội quan Hàu Hương cao nhất là 2,363%.
Hàm lượng hợp chất không xà phòng hóa của cơ Vẹm Xanh cao nhất là 0,701%, của nội quan Hàu Hương là 0,987%.
Hàm lượng sterol của cơ Bàn Mai cao nhất là 0,1273, của nội quan Vẹm Xanh cao nhất là 0,1298%.
Hợp chất lipid trong cơ luôn thấp hơn trong nội quan của cả 5 loài nghiên cứu. Tuy nhiên, hợp chất không xà phòng hóa (Hàu nuôi tháng 7) và hợp chất sterol (Vẹm Xanh tháng 9, Bàn Mai tháng 7 và tháng 9) của cơ không hoàn toàn thấp hơn nội quan.
Phần lớn lipid, chất không xà phòng hóa và sterol có hàm lượng cao vào tháng 7/2004.

-----------------------------------------------------
MÔ PHỎNG ĐỊNH LƯỢNG MỐI QUAN HỆ GIỮA QUÁ TRÌNH QUANG HỢP TRONG BIỂN VỚI CƯỜNG ĐỘ CHIẾU SÁNG, HÀM LƯỢNG KHÍ CÁCBONIC VÀ KHẢ NĂNG KHUYẾCH TÁN CỦA NÓ

V.I. Zvalinsky1, Nguyễn Tác An2
1Viện Hải Dương Học Thái Bình Dương Il’ichev, Nga
2Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt:
Các mô hình tính toán sức sản xuất sơ cấp (PP) trong biển được xem là hàm số của một hay vài biến số.
Đề xuất một số mô hình tổng quát và đơn giản biểu diễn quá trình quang hợp trong biển theo quan điểm các phản ứng sinh hóa tuần hoàn. Đơn giản hóa một cách tối đa mô hình sức sản xuất sơ cấp (PP) 3 biến, cho phép xác định các mối quan hệ định lượng bằng các biểu thức toán học phản ảnh sự phụ thuộc của quá trình quang hợp với cường độ chiếu sáng, hàm lượng khí cácbonic và khả năng khuyếch tán của nó. Sự phụ thuộc của cường độ quang hợp với một yếu tố như độ chiếu sáng hoặc hàm lượng khí cacbonic (CO2), được biểu diễn bằng hàm hypecbon. Đơn giản nhất, sự phụ thuộc của 3 tham số đặc trưng cho độ chiếu sáng hoặc CO2 được xác định qua đại lượng: cường độ cực đại quang hợp, hằng số bão hòa ánh sáng (I-constant) hoặc hằng số bão hòa CO2 (CO2-constant) và hệ số gốc hypecbon. Để kiểm tra, đối chứng và hiệu chỉnh các hệ số trong quá trình mô hình hóa, chúng tôi sử dụng hệ tọa độ hoán đổi, sử dụng phương pháp “là” số liệu theo hàm Hyberbon. Trên hệ tọa độ hoán đổi, chúng tôi đã tiến hành so sánh các số liệu thực nghiệm, các kết quả đo đạc: cường độ chiếu sáng, hàm lượng CO2 với các giả thuyết. Các kết quả so sánh cho thấy sự phù hợp, tương thích giữa các mô hình tính toán và năng suất sinh học sơ cấp (PP) được đo phụ thuộc vào cường độ chiếu sáng và hàm lượng CO2.

-----------------------------------------------------
HIỆU QUẢ CỦA VIỆC XỬ LÝ VÀ QUẢN LÝ NƯỚC THẢI TẠI CÁC
KHU CÔNG NGHIỆP SUỐI HIỆP VÀ SUỐI DẦU (KHÁNH HÒA)

Lê Thị Vinh, Phạm Văn Thơm, Dương Trọng Kiểm,
Nguyễn Hồng Thu, Phạm Hữu Tâm
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Việc xử lý và quản lý nước thải tại khu công nghiệp (KCN) Suối Hiệp và Suối Dầu vẫn chưa thật tốt, cụ thể như sau:
Tại KCN Suối Hiệp, hàm lượng các yếu tố P hữu cơ, dầu mỡ và coliform trong nước thải của 4 cơ sở sản xuất đã vượt quá giá trị cho phép đối với nước thải loại A, 4 cơ sở sản xuất khác xả nước thải không qua xử lý với hàm lượng chất gây ô nhiễm cao vào môi trường chung quanh. Nước thôn Cư Thạnh bị nhiễm bẩn ở mức độ trung bình so với tiêu chuẩn Việt Nam (1995) đối với nước mặt, loại A.
Tại KCN Suối Dầu, nước thải sau khi được xử lý sơ bộ tại các nhà máy được đưa về trạm xử lý nước thải chung. Tuy nhiên, nước thải qua xử lý chỉ có vật lơ lửng, pH, COD, BOD đạt yêu cầu đối với nước thải loại A, hàm lượng các chất dinh dưỡng (nitơ và phospho), dầu mỡ và coliform vượt quá giá trị cho phép. Việc xả trộm nước thải vào môi trường nước từ một số nhà máy vẫn thường xảy ra. Nước thôn Đồng Cau đã bị nhiễm bẩn khá nặng so với tiêu chuẩn Việt Nam (1995), đối với nước mặt loại A.
Để tăng cường hiệu quả của việc xử lý và quản lý chất thải cần phải: buộc các xí nghiệp phải có các hệ thống xử lý nước thải; cải tiến dây chuyền xử lý hiện có như khử trùng nước thải, tăng dung tích hồ sinh học; theo dõi chặt chẽ việc xả thải của các doanh nghiệp.

-----------------------------------------------------
ẢNH HƯỞNG CỦA HẠT NIX TỪ NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU
HYUNDAI-VINASHIN TỚI HÀM LƯỢNG KIM LOẠI
TRONG HÀU Saccostrea cucullata, VỊNH VÂN PHONG

Lê Thị Vinh
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Để đánh giá ảnh hưởng của chất thải từ nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin tới hàm lượng kim loại trong Hàu Saccostrea cucullata, trong khoảng thời gian 2002-2004 các mẫu Hàu đã được thu tại khu vực chung quanh đảo Mỹ Giang (gần nhà máy) và Mũi Dù (cách nhà máy khoảng 10 km về phía tây bắc) và đã được phân tích các kim loại Cd, Cr, Cu, Pb, và Zn.
Các kết quả đã cho thấy rằng: (1) hàm lượng các kim loại Zn, Cu trong Hàu tại đảo Mỹ Giang cao hơn so với khu vực Mũi Dù; (2) có sự gia tăng theo thời gian của hàm lượng Zn, Cu trong Hàu ở cả 2 khu vực, đặc biệt là sự gia tăng rất nhanh của Cu trong Hàu ở đảo Mỹ Giang. Điều này gợi ý là Hàu Saccostrea cucullata ở vịnh Vân Phong bị nhiễm kim loại từ bụi của hạt NIX mà nhà máy đã dùng trong quá trình làm sạch vỏ tàu.
Về khía cạnh an toàn thực phẩm, hàm lượng các kim loại (Zn, Cu, Cr) trong Hàu đã vượt quá giới hạn cho phép do Bộ Y tế Việt Nam và Hồng Kông qui định.

-----------------------------------------------------
MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ THỬ NGHIỆM
NUÔI GHÉP VẸM XANH PERNA VIRIDIS VỚI TÔM HÙM
Ở XUÂN TỰ (VẠN NINH, KHÁNH HÒA)

Phạm Thị Dự, Đỗ Hữu Hoàng, Hoàng Trung Du, Võ Thị Hải Thi
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Từ tháng 2/2003 đến tháng 4/2004, tiến hành thử nghiệm nuôi ghép Tôm Hùm với Vẹm Xanh tại vùng nuôi Tôm Hùm thôn Xuân Tự (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Vẹm Xanh được di giống đến nuôi xung quanh các lồng Tôm Hùm ở Xuân Tự đã sống và tăng trưởng (0,69cm chiều dài/tháng) không kém so với vẹm nuôi ở đầm Nha Phu (nơi lấy giống). Nếu sử dụng vẹm nuôi ghép này cho Tôm Hùm ăn thì có thể tiết kiệm khoảng 1/3 chi phí về thức ăn.
So với cách nuôi truyền thống bằng cá tạp thì Tôm Hùm nuôi bằng Vẹm Xanh có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ nhưng có tỉ lệ sống cao hơn vì chưa thấy có dấu hiệu bệnh xuất hiện.
Chất lượng môi trường ở vị trí nuôi Tôm Hùm có nuôi ghép vẹm được cải thiện: Hàm lượng hữu cơ lơ lửng trong tầng đáy cột nước và lắng đọng trong trầm tích giảm lần lượt giảm 83% và 63%. Mật độ vi sinh trong trầm tích ở vị trí nuôi Tôm Hùm có nuôi ghép giảm 94,6% đối với Fecal coliform và 75,5% đối với Vibrio; trong khi ở vị trí nuôi Tôm Hùm không có nuôi ghép thì mật độ Fecal coliform và Vibrio đều tăng lần lượt là 23,1% và 90,5%.

-----------------------------------------------------
THÀNH PHẦN THỨC ĂN VÀ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN
CỦA LOÀI CÁ NGỪ Ồ
AUXIS ROCHEI (RISSO, 1810) Ở NHA TRANG – KHÁNH HÒA

Lê Thị Thu Thảo, Hồ Bá Đỉnh, Võ Văn Quang,
Nguyễn Phi Uy Vũ và Trần Thị Hồng Hoa
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Cá Ngừ Ồ - Auxis rochei (Risso, 1810) là một trong những loài thuộc họ cá Thu Ngừ (Scombridae) có giá trị kinh tế cao và phân bố chủ yếu ở vùng biển miền Trung. Dựa trên số liệu thu thập được từ tháng 04 – 11/2004 của nghề mành đèn và lưới vây vùng biển Nha Trang – Khánh Hòa, bài báo cung cấp một số kết quả nghiên cứu về kích thước cá khai thác, tương quan chiều dài (Lc) và trọng lượng (Wt), thành phần thức ăn, tỉ lệ đực cái và mùa vụ sinh sản của loài cá Ngừ Ồ.

-----------------------------------------------------
THÀNH PHẦN KÝ SINH TRÙNG Ở MỘT SỐ LoàI CÁ MÚ THUỘC GIỐNG EPINEPHELUS Ở KHU VỰC KHÁNH HÒA

Võ Thế Dũng1, G. A. Bristow3, Nguyễn Hữu Dũng2,
Võ Thị Dung1 & Nguyễn Thị Thanh Thùy1
1Viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản 3 - Nha Trang - Việt Nam
2Trường Đại Học Thủy Sản - Nha Trang - Việt Nam
3Trường Đại Học Bergen, Bergen - Norway

Tóm tắt: 225 mẫu cá Mú thuộc giống Epinephelus bao gồm cả cá tự nhiên, cá nuôi ao và cá nuôi lồng đã được sử dụng để tìm hiểu thành phần ký sinh trùng (KST) của chúng. Kích thước của cá dao động từ 58 – 360 mm, trung bình là 152,6 mm. Kết quả cho thấy rằng cá Mú cũng rất dễ nhiễm KST. Hơn 20 loài ngoại ký sinh bao gồm KST đa bào và KST đơn bào đã được tìm thấy trong các mẫu vật.
Từ khóa: cá mú, Epinephelus, ký sinh trùng, ký sinh trùng đa bào, ký sinh trùng đơn bào, ngoại ký sinh.

-----------------------------------------------------
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN VEN BỜ – BÀI HỌC TỪ
KINH NGHIỆM QUẢN LÝ CỦA THÁI LAN

Lê Thị Thu Hà
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm tắt: Nuôi trồng thủy sản ven bờ Thái Lan đóng một vai trò là nền kinh tế mũi nhọn, mang lại lợi nhuận từ xuất khẩu rất cao. Hơn thế, nuôi trồng thủy sản cải thiện đáng kể cuộc sống của một bộ phận lớn cư dân ven bờ Thái Lan. Năm 1994, gần 80% hộ nuôi tôm đã chuyển sang nuôi thâm canh. Từ sau năm 2000 do phải đối mặt với dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nghề nuôi tôm Thái Lan đã gặp khó khăn.
Thái Lan có hệ thống quản lý khá đồng bộ, nhiều tổ chức nghiên cứu nuôi trồng thủy sản lớn được trang bị hiện đại với đội ngũ các nhà nghiên cứu đã và đang phục vụ tốt vì các mục tiêu phát triển ngành thủy sản. Thêm vào đó, nuôi trồng thủy sản Thái Lan còn được hỗ trợ và hướng dẫn bởi các quy định về việc đăng ký, cấp phép hoạt động, thuế ô nhiễm môi trường… cùng với sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, các địa phương tại tất cả các cấp độ và sự đồng thuận của người nuôi.
Bài báo sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp bao gồm các thể chế; chính sách; quy định và quy hoạch nghề nuôi trồng thủy sản của Thái Lan, kết hợp với các quan sát, điều tra thực tế một số điểm nuôi ven bờ nhằm đánh giá thực trạng nghề nuôi, phân tích điểm mạnh, yếu trong cách thức quản lý hoạt động nuôi của Thái Lan. Sự đánh giá này được mong mỏi như những kinh nghiệm và bài học cho những người nuôi tôm, các nhà quản lý, lập chính sách trong việc quy hoạch phát triển nghề nuôi ven bờ ở Việt Nam.

You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Người đăng: Administrator Account
Ngày đăng: 08/11/2007
Số lượt người xem: 8220

Quay Về
Lỗi Có lỗi xảy ra.
Error: Unable to load the Article Details page.


    
 Liên kết Đóng
    
 Phản hồi Đóng





CAPTCHA image
Nhập mã ở trên vào hộp dưới đây
Hủy Bỏ   Gửi
    
Copyright © 2012 - Trung tâm Dữ liệu và GIS - Viễn thám
  Tìm Kiếm