Wednesday, April 24, 2024  
..:: Trang chủ » Xuất bản » Tuyển tập nghiên cứu biển ::..   Login
 Trang chủ Minimize
    
 Số lượt truy cập Minimize
    
 Người Online Minimize
People Online People Online:
Visitors Visitors: 546
Members Members: 0
Total Total: 546

Online Now Online Now:
    
 Tuyển tập nghiên cứu biển Minimize
Tuyển tập Nghiên cứu biển XIV

Năm xuất bản: 2005
Nơi lưu trữ: Viện Hải Dương Học
Loại tài liệu: Tuyển tập nghiên cứu biển

Mục lục

1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
9.
Đoàn Như Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Thị Mai Anh, Hồ Văn Thệ. Thực vật phù du ở đầm Lăng Cô, miền Trung Việt Nam.
10.
11.
Võ Văn Quang, Nguyễn Hữu Phụng, Trần Thị Hồng HoaTrứng cá - cá bột qua mặt cắt Nha Trang (Việt Nam) - Luzon (Philippines) năm 2000.
12.
Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Tác An, Nguyễn Phi Uy Vũ, Lê Thị Thu Thảo, Trần Văn Lang, Nguyễn Thị LiênNguồn lợi cá và khả năng khai thác ở đầm Đề Gi tỉnh Bình Định.
13.
Hồ Bá Đỉnh, Lê Trọng Phấn, Nguyễn Hữu Phụng, Võ Văn Quang, Trần Thị Hồng Hoa. Một số đặc điểm sinh học loài cá Lượng Nhật Nemipterus japonicus (Bloch, 1791) ở vùng biển Nha Trang, Khánh Hòa.
14.
15.
Võ Sĩ Tuấn, Trương Sĩ Kỳ, Hà Lê Thị Lộc,Hứa Thái Tuyến, Nguyễn Thị Kim Bích. Thử nghiệm nuôi Vẹm Xanh thương phẩm Perna viridis (Linnaeus, 1758) vùng đầm Nha Phu – Khánh Hòa.
16.
17.

------------------------------------------------------
BIẾN ĐỘNG CHU KỲ TRUNG BÌNH VÀ DÀI CỦA NHIỆT ĐỘ VÀ ĐỘ MUỐI NƯỚC VÙNG KHƠI BIỂN ĐÔNG

Võ Văn Lành, Nguyễn Văn Tuân
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Bài báo phản ảnh những đặc điểm biến động chu kỳ trung bình (ngày đêm và sinốp) và dài (năm và nhiều năm) của nhiệt độ và độ muối nước vùng khơi Biển Đông trên cơ sở phân tích số liệu quan trắc. Các đặc trưng chính được xem xét ở đây là các giá trị cực trị và độ lớn dao động trung bình nhiều năm của nhiệt độ và độ muối nước biển.
Sau đây là một số đặc điểm đáng lưu ý nhất:
- Độ lớn biến động của các yếu tố thủy văn (nhiệt độ, độ muối và có thể cả dòng chảy) đạt giá trị lớn nhất không phải ở mặt biển, mà trong lớp đột biến nhiệt độ mùa (lớp 30-100 m).
- Nhiệt độ nước biển tầng mặt có xu thế tăng lên liên tục trong những thập niên gần đây (khoảng 10C trong giai đoạn từ 1982 đến 1999).
- Chu kỳ biến động nhiều năm của nhiệt độ nước biển rất khác nhau phụ thuộc vào các đặc điểm biến động khí hậu và thời tiết.
- Chu kỳ sinốp của các biến động thủy văn có thể đạt từ 2-3 đến 6-7 ngày đêm.
- Độ dày lớp hoạt động bề mặt đạt xấp xỉ 200-250m.

------------------------------------------------------
MỘT SỐ KẾT QUẢ KHẢO SÁT, NGHIÊN CỨU HIỆN TƯỢNG XÓI LỞ, BỒI TỤ KHU VỰC VEN BIỂN BÌNH THUẬN

 Bùi Hồng Long
Viện Hải Dương Học (Nha Trang) 

TÓM TẮT:
   Trong bài này chúng tôi trình bày môt số kết quả khảo sát và nghiên cứu khu vực ven biển Bình Thuận của đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu dự báo phòng chống sạt lở bờ biển khu vực Nam Bộ (đoạn từ Bình Thuận tới Hà Tiên) giai đoạn 1999 – 2000.
Từ các kết quả tổng quan và khảo sát đã thể hiện hiện trạng biến động địa hình dải ven biển Bình Thuận và tại một số khu vực trọng điểm: Phước Thể, Phan Rí, Hàm Tiến (Phan Thiết). Các đặc điểm sóng được tính toán từ số liệu quan trắc sóng tại đảo Phú Quý. Các thông số sóng có tần suất hiếm được xác định bằng cách tính toán bằng phương pháp Veibun từ trường gió đo đạc nhiều năm. Nguyên nhân của quá trình xói lở đã được đề cập đến trên cơ sở các nguyên nhân nội, ngoại sinh. Việc dự báo khả năng xói lở tại 3 khu vực trên dựa trên phương pháp động lực hình thái và các kịch bản biến đổi mực nước toàn cầu.

------------------------------------------------------
PHÂN ĐỊNH VÙNG NƯỚC NGOÀI KHƠI TRUNG BỘ VIỆT NAM QUA NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC LỚP HOẠT ĐỘNG TỪ SỐ LIỆU CHUYẾN KHẢO SÁT “SEAFDEC-99”

Lã Văn Bài
Viện Hải Dương Học (Nha Trang) 

TÓM TẮT:
   Trong bài báo, tác giả đã ứng dụng phương pháp thành phần chính để phân định các vùng nước có phân bố nhiệt muối và cấu trúc thủy văn khác nhau trong khuôn khổ đề tài KHCN-0903 từ nguồn số liệu của chuyến khảo sát SEAFDEC-99. Các yếu tố cấu trúc thủy văn được quan tâm là: độ sâu thermocline, độ sâu có maximum chlorophyll, độ trong suốt, độ sâu cực đại gradient mật độ, độ dày lớp đồng nhất, nhiệt độ và độ muối tầng mặt.... nhằm phân tích tương quan giữa chúng. Đã đánh giá và phân chia thành 8 “vùng nước” với cấu trúc thủy văn và nhiệt muối khác nhau ở khu vực ngoài khơi Trung Bộ và Đông Nam Bộ Việt Nam.

------------------------------------------------------
ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ CÁC ĐẶC TRƯNG SÓNG Ở BIỂN ĐÔNG TRONG CÁC TRƯỜNG GIÓ MÙA ĐIỂN HÌNH

 Nguyễn Bá Xuân, Lê Đình Mầu
Viện Hải Dương Học (Nha Trang) 

TÓM TẮT:
   Bài báo trình bày kết quả tính toán các đặc trưng của trường sóng mặt (độ cao hữu hiệu Hs, chu kỳ, độ dài trung bình của sóng) trên toàn Biển Đông trong các trường gió mùa điển hình: Đông Bắc và Tây Nam. Trong thời kỳ gió mùa đông bắc, với tốc độ gió cấp 5-6, thì ở những khu vực trung tâm, khu vực bắc Biển Đông và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có sóng lớn (Hs » 2-3m), riêng ở vịnh Thái Lan có sóng nhỏ (Hs<1m); Trong thời kỳ gió mùa tây nam ở khu vực vịnh Bắc Bộ và phần phía nam vịnh Thái Lan có sóng nhỏ (Hs<1m), ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có sóng vừa (Hs » 1-1,5m), vùng trung tâm Biển Đông có sóng lớn (Hs » 1,5-2,5m).

------------------------------------------------------
ĐẶC ĐIỂM BÃO VÀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TẠI VÙNG BIỂN HỘI AN

 Lê Đình Mầu
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Số liệu các cơn bão và áp thấp nhiệt đới tại vùng biển Hội An và lân cận (140N - 170N) trong thời gian từ 1945-2003 (số liệu của Sở Khí tượng Quốc gia Mỹ) đã được thu thập qua Internet. Đặc điểm về đường đi, cường độ, thời gian và tần suất xuất hiện của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã được thống kê, mô tả. Bán kính vùng gió cực đại (R) được xác định theo thang Saffir-Simpson. Độ cao sóng hữu hiệu (Hs) và chu kỳ sóng (Tp) trong các cơn bão điển hình xuất hiện năm 1964, 1989, 1997 và 1999 được tính theo mô hình trường gió di động của Young. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng:
- Trong thời gian 1945-2003 tại vùng biển Hội An và lân cận đã có 69 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện (trung bình 1,2 cơn mỗi năm), trong đó có 36 cơn bão mạnh (vận tốc gió cực đại Vmax > 33m/s), 20 cơn bão trung bình (17m/s < Vmax < 33m/s) và 13 áp thấp nhiệt đới (Vmax < 17m/s). Bão xuất hiện chủ yếu vào tháng 9 (26,1%), tháng 10 (30,4%) và tháng 11 (13%). Nhìn chung các cơn bão đều có bán kính vùng gió cực đại R » 34 km.
-Trong các cơn bão điển hình, ngoài khơi vùng biển Hội An độ cao sóng hữu hiệu lớn nhất Hs = 10,5m, chu kỳ sóng Tp = 13,3s và có hướng từ bắc-đông bắc.
- Các đặc trưng sóng trong bão được tính từ mô hình của Young phù hợp với kết quả tính sóng theo qui phạm của Trung tâm công nghệ ven bờ thuộc Hải quân Mỹ (SPM, 1984).

------------------------------------------------------
HOẠT ĐỘ PHÓNG XẠ TỰ NHIÊN VÀ NHÂN TẠO Ở VÙNG BIỂN NAM TRUNG BỘ - VIỆT NAM

 Nguyễn Tác An, Võ Duy Sơn, Phan Minh Thụ
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Dựa vào các kết quả của những chuyến điều tra hoạt độ phóng xạ trong vùng biển Nam Trung Bộ - Việt Nam từ 1998 đến 2002, bài báo trình bày những nét tổng thể về hiện trạng phóng xạ môi trường của 137Cs, 210Pb, 226Ra và 228Ratrong nước và sinh vật ở vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa cũng như trong trầm tích ở vùng biển Nam Trung Bộ. Kết quả cho thấy hoạt độ phóng xạ ghi nhận được đối với các hạt nhân phóng xạ khá thấp, tương đương mức phông trong các thủy vực Châu Á và thế giới. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu còn cho thấy các loài Rong Nâu có thể dùng làm chỉ thị sinh học môi trường đối với phóng xạ. Điều này có thể ứng dụng trong quan trắc và cảnh báo môi trường biển.

------------------------------------------------------
ĐÁNH GIÁ NHANH CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG VỊNH HẠ LONG BẰNG KỸ THUẬT KIỂM ĐỊNH ĐỘC TÍNH SINH HỌC

 Nguyễn Hữu Huân & Hồ Hải Sâm
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
Kỹ thuật kiểm định độc tính sinh học là một trong những phương pháp đang ngày càng được phát triển rộng rãi trong nghiên cứu, đánh giá chất lượng môi trường. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được trong tháng 8/2002, bài báo trình bày kết quả đánh giá nhanh chất lượng môi trường vịnh Hạ Long bằng kỹ thuật kiểm định độc tính sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Môi trường nước vịnh Hạ Long có chất lượng tương đối tốt, với chỉ số độc tố sinh học có giá trị trung bình từ 1,5 ± 0,2 đến 6,3 ± 1,2 (T<20); trong đó vùng trung tâm vịnh có chất lượng tốt nhất trên toàn vùng khảo sát.
- Khác với môi trường nước, gần như trầm tích trên toàn vùng khảo sát có chất lượng kém, với các mức độ nhiễm độc khác nhau. Trầm tích trong khu vực từ vịnh Bãi Cháy đến Cửa Lục có chất lượng kém, với chỉ số “T” có giá trị trung bình là 71,66 ± 7,3 (T >70); trầm tích các khu vực ven bờ Bãi Cháy, Hòn Gai - Cẩm Phả và ven đảo Tuần Châu cũng bị nhiễm độc, với giá trị chỉ số “T” trung bình là 56,81 ± 5,2 (T >50); chỉ khu vực trung tâm vịnh Hạ Long là vùng có chất lượng trầm tích tốt hơn cả, với giá trị “T” trung bình là 40,7 ± 2,7 (T < 50) - nằm ở mức chớm nhiễm độc nhẹ.
Nhìn chung, chất lượng môi trường vịnh Hạ Long đã có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là môi trường trầm tích đã bị chớm nhiễm độc đến nhiễm độc. Điều này có ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản nhất là ở giai đoạn trứng và ấu thể vì chúng dễ mẫn cảm với điều kiện môi trường. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và do vậy ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

------------------------------------------------------
MỘT SỐ LOÀI RONG MỚI BỔ SUNG TRONG CHI RONG CÂU (GRACILARIA GREV.) Ở VIỆT NAM

 Lê Như Hậu
Phân Viện Khoa Học Vật Liệu Nha Trang

TÓM TẮT:
  Năm loài rong trong chi Rong Câu đã được xác định là các loài mới bổ sung cho khu hệ rong biển Việt Nam là Gracilaria cuneifolia (Okamura) Lee et Kurogi, Gracilaria rubra Chang and Xia, Gracilaria stellata Abbott, Zhang et Xia, Gracilaria yamamotoi Zhang et Xia, Gracilaria longirotris Zhang et Xia.

------------------------------------------------------
THỰC VẬT PHÙ DU Ở ĐẦM LĂNG CÔ, MIỀN TRUNG VIỆT NAM

Đoàn Như Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Thị Mai Anh, Hồ Văn Thệ
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

Tóm Tắt:
   144 loài thực vật phù du được tìm thấy trong 2 đợt khảo sát vào tháng 2 và tháng 6/2004 ở đầm Lăng Cô. Tảo Silíc chiếm số lượng loài cao nhất, sau đó là Tảo Hai Roi. Chỉ có 3 loài thuộc lớp Tảo Kim (Dictyochophyceae), 1 loài tảo Xương Cát (Ebriidea), và 1 loài Tảo Xanh Lam (Cyanophyceae). 17 loài tảo có khả năng độc hại được ghi nhận trong hai đợt khảo sát. Mùa mưa có 14 loài và mùa khô thấp hơn, 10 loài. Chi Alexandrium phong phú về số lượng loài trong thời kỳ nhiệt độ thấp và độ mặn thấp, trong khi đó các loài Dinophysis dường như thích nghi với độ mặn và nhiệt độ nước cao hơn.
Mật độ tế bào của thực vật phù du đạt cao nhất trong thời kỳ thu mẫu mùa mưa, và gấp > 2,5 lần trong thời kỳ mùa khô trong khi không có sự khác nhau về sinh khối cácbon của cả hai thời kỳ thu mẫu. Mật độ và sinh khối cao thể hiện sự ưu thế của Tảo Silic trong mùa khô và Tảo Hai Roi trong mùa mưa.

------------------------------------------------------
ĐỘNG VẬT PHÙ DU VỊNH NHA TRANG

 Nguyễn Cho
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu động vật phù du (ĐVPD) vịnh Nha Trang tỉnh Khánh Hòa năm 2003. Kết quả phân tích 84 mẫu qua 12 chuyến khảo sát đã xác định được 192 loài, trong đó Chân Mái Chèo chiếm ưu thế về số lượng loài (chiếm 60% tổng số loài ĐVPD), sinh vật lượng trung bình đạt 82 mg/m3, biến động trong khoảng 27-205 mg/m3. Mật độ trung bình đạt 8.544 cá thể/m3, trong đó mật độ thấp nhất và cao nhất ở các tháng 6 (gió mùa tây nam) và tháng 12 (gió mùa đông bắc) là 3.289 và 27.593 cá thể/m3. Thời kỳ gió mùa chuyển tiếp cũng có sinh vật lượng cao. Sự phân bố ĐVPD cao chủ yếu tập trung ở vùng phía nam của vịnh (Trạm 5 & 6).

------------------------------------------------------
TRỨNG CÁ - CÁ BỘT QUA MẶT CẮT NHA TRANG (VIỆT NAM) - LUZON (PHILIPPINES) NĂM 2000

 Võ Văn Quang, Nguyễn Hữu Phụng, Trần Thị Hồng Hoa
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Trứng cá và cá bột được phân tích và xử lý dựa trên kết quả của chuyến khảo sát tại 16 trạm trên mặt cắt ngang Biển Đông từ Nha Trang (Việt Nam) – Luzon (Philippines) trong tháng 5 - 6 năm 2000. Các yếu tố môi trường tại các trạm nghiên cứu được tham khảo để tìm mối liên quan giữa chúng và sự phân bố của trứng cá và cá bột. Đã thu được 158 trứng và 625 cá bột, trong đó lưới ĐV-80 thu 101 trứng và 451 cá bột. Lưới ĐV- 50 thu 57 trứng và 174 cá bột. Mật độ trung bình toàn mặt cắt của lưới ĐV-80 là 12,61 trứng và 55,59 cá bột/100m3, còn lưới ĐV-50 là 17,73 trứng và 53,72 cá bột/100 m3.
Trên mặt cắtViệt Nam-Philippines, ở khu vực phía tây (gần bờ Nha Trang) có mật độ trứng cá trung bình là 17,33 trứng, ở khu vực gần bờ phía đông (phía Philippines) tương đương khu vực phía tây; trung bình là 16,00 trứng, còn ở khu vực giữa chỉ có 3,53 trứng/100m3, thấp hơn 5 lần so với hai khu vực trên. Thành phần trứng cá xác định được rất ít, chỉ 7%, còn cá bột là 80,48%, định loại được đến loài rất ít (5 loài), phần lớn đến bậc họ, giống. Cá bột chủ yếu các loài thuộc họ cá Đèn Lồng (Myctophidae); chiếm đến 41,02% tổng số, sau đó là họ cá Trích Phát Sáng (Gonostomatidae) chiếm 15,96% và các họ cá sống ở rạn san hô: họ cá Bống Trắng (Gobiidae): 3,99%, họ cá Đuôi Gai (Acanthuridae) 2,44%, họ cá Mú (Serranidae): 1,33%...

------------------------------------------------------
NGUỒN LỢI CÁ VÀ KHẢ NĂNG KHAI THÁC Ở ĐẦM ĐỀ GI TỈNH BÌNH ĐỊNH

 Nguyễn Văn Lục*, Nguyễn Tác An*, Nguyễn Phi Uy Vũ*,
Lê Thị Thu Thảo*, Trần Văn Lang**, Nguyễn Thị Liên**
* Viện Hải Dương Học (Nha Trang), ** Sở Thủy Sản Tỉnh Bình Định

TÓM TẮT:
   Dựa trên một số dữ liệu nghề cá ở đầm Đề Gi thu được trong khoảng tháng 10/2001 – 6/2003, bài viết đã xác định 51 loài cá thuộc 30 họ trong đầm, trong đó nhóm cá biển chiếm ưu thế là 47 loài, nhóm cá nước ngọt có 4 loài. Thành phần cá ở đầm Đề Gi tương tự như đầm Thị Nại. Hiện tại, tổng sản lượng khai thác 300 – 500 tấn thủy sản/năm trong đầm Đề Gi. Trong đó, tôm cua ghẹ chiếm khoảng 30 – 50 tấn/năm, cá Cơm 40 – 70 tấn/năm, cá Mai 30 – 40 tấn/năm, cá Măng 40 – 50 tấn/năm, cá Đối 40 – 60 tấn/năm, cá Dìa 10 – 30 tấn/năm, cá tạp 80 – 150 tấn/năm,... Hoạt động khai thác kéo dài quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa. Trữ lượng cá hiện tại ở đầm Đề Gi là 600 – 700 tấn (chỉ bằng 46 – 47% trữ lượng sinh thái tự nhiên của đầm) và khả năng khai thác hiện tại là 300 – 350 tấn/năm (tức là chỉ bằng 22 – 23% trữ lượng sinh thái).

------------------------------------------------------
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC LOÀI CÁ LƯỢNG NHẬT
Nemipterus japonicus (Bloch, 1791)
Ở VÙNG BIỂN NHA TRANG, KHÁNH HÒA

 Hồ Bá Đỉnh, Lê Trọng Phấn, Nguyễn Hữu Phụng
Võ Văn Quang và Trần Thị Hồng Hoa
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Cá Lượng Nhật Nemipterus japonicus (Bloch, 1791) là loài cá kinh tế có sản lượng khai thác chiếm tỉ lệ cao trong nghề lưới kéo đáy và câu tay. Dựa trên số liệu thu thập được trong năm 2003 (từ tháng 02 đến tháng 10) từ các tàu đánh nghề lưới giã ở vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa), bài báo cung cấp một số kết quả nghiên cứu kích thước cá khai thác, tương quan chiều dài (Lf) và trọng lượng (Wt), tuổi và tốc độ tăng trưởng, các thông số của phương trình sinh trưởng Von Bertalanffy, mùa đẻ và cường độ bắt mồi của loài cá này.

------------------------------------------------------
THEO DÕI ĐỘC TỐ TETRODOTOXIN (TTX) TRONG BA LOÀI CÁ NÓC THU Ở CỬA BÉ (NHA TRANG, KHÁNH HÒA) THEO THÁNG TRONG NĂM 2002

 Đỗ Tuyết Nga, Phạm Xuân Kỳ, Đào Việt Hà
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Loài Cá Nóc Chấm Cam - Torquigener pallimaculatus Hardy luôn luôn phát hiện được độc tố Tetrodotoxin (TTX) trong trứng và gan, đôi khi trong nội quan ở cá thể đực và cái, trong da cá đực (1 đợt). Thời điểm tập trung cao độc tố ở các đợt mẫu tháng 5, 9 và 11. Loài Cá Nóc Lưng Gai - Lagocephalus lunaris (Bloch & Schneider) chỉ phát hiện thấy độc tố trong trứng và gan cá cái ở đợt mẫu tháng 9 và 11. Loài Cá Nóc Chuột Viền Đuôi Đen - Arothron immaculatus (Bloch & Schneider) độc tố Tetrodotoxin chỉ xuất hiện trong trứng với hàm lượng cao hơn 2 loài trên, cao vào các đợt từ tháng 5 - 9.

------------------------------------------------------
THỬ NGHIỆM NUÔI VẸM XANH THƯƠNG PHẨM PERNA VIRIDIS (Linnaeus, 1758) VÙNG ĐẦM NHA PHU - KHÁNH HÒA

 Võ Sĩ Tuấn, Trương Sĩ Kỳ, Hà Lê Thị Lộc,
Hứa Thái Tuyến, Nguyễn Thị Kim Bích
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Vẹm Xanh (Perna viridis) đã được thử nghiệm nuôi tại vùng đầm Nha Phu từ tháng 7/2001 đến tháng 7/2002 trên ba loại giá thể khác nhau: nuôi trên cọc gỗ, nuôi trên dây treo thành giàn và nuôi trên tấm xi măng treo giàn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế của ba hình thức nuôi trên được đánh giá qua 11 tháng nuôi như sau:
Tốc độ tăng trưởng chiều cao trung bình tháng của vẹm nuôi trên dây chậm nhất (4,02 mm/tháng), sau đó đến dạng hình nuôi vẹm trên tấm xi măng (4,65 mm/tháng). Dạng hình nuôi vẹm trên cọc gỗ cho tốc độ tăng trưởng tháng cao nhất (đạt 4,99 mm/tháng).
Tỷ lệ sống của vẹm sau 3 tháng nuôi đạt 61% đối với dạng hình nuôi dây, 86% đối với dạng hình nuôi bằng cọc gỗ và đạt 63% đối với dạng hình nuôi trên tấm xi măng. Sau 11 tháng nuôi, dạng hình nuôi dây đạt tỷ lệ thấp nhất (14%) sau đó đến dạng hình nuôi vẹm bằng tấm xi măng (27%) và cao nhất là dạng hình nuôi bằng cọc gỗ (35%).
Trong ba dạng hình thử nghiệm: hai dạng hình nuôi vẹm trên dây thừng và nuôi vẹm trên tấm xi măng không đạt hiệu quả. Dạng hình nuôi vẹm trên cọc gỗ đạt hiệu quả nhất với lợi nhuận thu được 26% so với chi phí đầu vào.

------------------------------------------------------
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DINH DƯỠNG CỦA CÁ KHOANG CỔ ĐỎ
Amphiprion frenatus Brevoort, 1856
VÙNG BIỂN NHA TRANG - KHÁNH Hòa

 Hà Lê Thị Lộc
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Kết quả phân tích 144 mẫu thức ăn trong hệ ruột cá Khoang Cổ Đỏ Amphiprion frenatus vùng biển Nha Trang – Khánh Hòa từ tháng 10/2001 đến tháng 9/2002 cho thấy rằng đây là loài cá ăn tạp. Phổ thức ăn tương đối rộng và chuỗi thức ăn ngắn. Thành phần thức ăn chủ yếu của chúng là Copepoda 34,61%, sau đó là trứng cá các loại (11,21%), Tunicata (9,97%), vảy và vi cá (10,98%). Ngoài ra còn một số chủng loại thức ăn khác như tảo, bọn hai mảnh vỏ (Bivalve), Gastropoda, Nematoda, Isopoda, Amphipoda, Cladocera, Mysidacea với tỷ lệ không đáng kể. Độ no của cá bậc V và IV chiếm 74,99%, bậc I chiếm 4,16% trong tổng số mẫu phân tích. Chỉ số độ béo của cá Khoang Cổ Đỏ cao vào các tháng 2, 3, 4 (từ 2,6% đến 2,81%) và thấp vào các tháng 10 và 11 (2,18% và 2,24%).

------------------------------------------------------
ÁP SUẤT THẨM THẤU MÁU, HÀM LƯỢNG NƯỚC TRONG CƠ VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC ĐƯA RA NGOÀI KHÔNG KHÍ ĐẾN KHẢ NĂNG ĐIỀU HÒA ÁP SUẤT THẨM THẤU CỦA TÔM GÂN (PENAEUS LATISULCATUS KISHINOUYE, 1896) NUÔI Ở CÁC ĐỘ MẶN KHÁC NHAU

Huỳnh Minh Sang
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
   Áp suất thẩm thấu máu và hàm lượng nước trong cơ của Tôm Gân (Penaeus latisulcatus) được xác định khi nuôi ở độ mặn 10, 22, 34 và 46‰ sau 60 ngày và khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu của tôm nuôi ở các nồng độ mặn 10, 22, 34 và 46‰ được xác định khi đưa ra ngoài không khí 7, 14 và 21 phút. Áp suất thẩm thấu của máu tăng khi tăng độ mặn môi trường nuôi và trọng lượng của tôm. Điểm trung hòa áp suất thẩm thấu được tính từ mối tương quan giữa áp suất thẩm thấu máu và áp suất thẩm thấu của môi trường của Tôm Gân là 28,87, 29,46 và 31,73‰ tại thời điểm nuôi 0, 20 và 60 ngày nuôi, ứng với trọng lượng cơ thể là 2,95 ± 0,26; 4,02 ± 0,47 và 5,79 ± 0,64 g. Lượng nước trong cơ giảm khi độ mặn môi trường nuôi tăng. Khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu của tôm nuôi ở độ mặn 10‰ giảm sau 14 phút đưa ra ngoài không khí. Kết quả nghiên cứu trên chỉ ra rằng tôm dùng ít năng lượng để điều hòa áp suất thẩm thấu khi nuôi ở độ mặn 22 và 34‰ hơn khi nuôi ở các độ mặn khác. Kết quả cho thấy loại tôm này nên được nuôi ở độ mặn từ 22 đến 34%o.

You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Written By: Administrator Account
Date Posted: 11/7/2007
Number of Views: 9151

Return
Error An error has occurred.
Error: Unable to load the Article Details page.


    
 Liên kết Minimize
    
 Phản hồi Minimize





CAPTCHA image
Enter the code shown above in the box below
Cancel   Send
    
Copyright © 2012 - Oceanographic Data; GIS & Remote Sensing Application
  Search