20 Tháng Tư 2024  
..:: Trang chủ » Xuất bản » Tuyển tập nghiên cứu biển ::..   Đăng nhập
 Trang chủ Đóng
    
 Số lượt truy cập Đóng
    
 Người Online Đóng
Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 230
Thành Viên Thành Viên: 0
Tổng Số Tổng Cộng: 230

Đang Online Đang Online:
    
 Tuyển tập nghiên cứu biển Đóng
Tuyển tập Nghiên cứu biển XV

Năm xuất bản: 2006
Loại tài liệu: Tuyển tập nghiên cứu biển

MỤC LỤC
 
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
9.
10.
11.
12.
13.
14.
15.
16.
17.
18.
19.
20.
21.
22.
23.
24.
25.
26.
27.
28.
 
------------------------------------------------------
VỀ ĐẶC ĐIỂM TRƯỜNG ỨNG SUẤT GIÓ VÀ RÔTO (XOÁY) ỨNG SUẤT GIÓ VÙNG BIỂN NAM TRUNG BỘ, VIỆT NAM
 
Bùi Hồng Long, Phạm Sỹ Hoàn
Viện Hải Dương Học (Nha Trang) 

TÓM TẮT:
Bài viết này đưa ra các đặc điểm chung về phân bố mặt rộng, biến đổi theo thời gian, đặc biệt là biến đổi theo mùa của trường ứng suất gió và rôto ứng suất gió, được tính cho trung bình ngày, trung bình tháng và trung bình nhiều năm từ 07/1999 – 03/2006 dựa vào trường gió trên vùng biển nghiên cứu (từ kinh độ 105o – 115oE, từ vĩ độ 5o – 15o N). Các đặc điểm đáng lưu ý được nêu ra là:
- Trường ứng suất gió và rôto ứng suất gió biến đổi theo mùa theo sự biến đổi của trường gió.
- Vùng biển ven bờ từ Vũng Tàu – Nha Trang môđun ứng suất gió và rôto ứng suất gió luôn lớn hơn vùng biển khác trong vùng nghiên cứu. Mođun ứng suất gió lớn nhất có thể đạt tới gần 5 dyn/cm2, môđun rôto ứng suất gió lớn nhất có thể hơn 70x108 dyn/cm3.
- Chuyển động của khối không khí trong vùng nghiên cứu là mang đặc trưng xoáy nghịch (rôto ứng suất gió mang giá trị âm) trong mùa gió mùa Đông Bắc và xoáy thuận (rôto ứng suất gió mang giá trị dương) trong mùa gió mùa Tây Nam.
- Trong thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động rất mạnh (tháng 12 và tháng 1), phía nam quần đảo Trường Sa, rôto ứng suất gió mang giá trị dương, nhưng xoáy thuận này tồn tại một  thời gian không lâu và không mạnh.
 
------------------------------------------------------
BIẾN ĐỘNG CHU KỲ NĂM CÁC THAM SỐ CẤU TRÚC THỦY VĂN LỚP NƯỚC MẶT VÙNG BIỂN VIỆT NAM VÀ LÂN CẬN
                                              
Lã Văn Bài
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
Nghiên cứu quy luật biến đổi thời gian của cấu trúc n­ước tầng mặt Biển Đông thường gặp nhiều khó khăn vì sự biến động phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố hình thành chúng. Công trình này ứng dụng phương pháp xấp xỉ để tham số hóa cấu trúc lớp nước mặt Biển Đông nhằm đơn giản hóa quá trình nhận dạng chúng qua “trường số hóa”. Phân bố không gian của hệ số A0 , A1 và dị thường của các yếu tố đã mô tả khá tốt các đặc điểm cấu trúc thủy văn của lớp nước mặt biển Việt Nam (LNMBVN) trong biến trình năm. Trường “tính toán phục hồi” cấu trúc nhiệt độ, độ muối và oxy của LNMBVN cho phép đánh giá quy mô phân bố không gian và biến động thời gian, rút ra những nhận xét có tính “xu thế ổn định” của cấu trúc thủy văn LNMBVN nhằm phục vụ công tác dự báo.
  
------------------------------------------------------
ĐẶC ĐIỂM BIẾN ĐỔI ĐƯỜNG BỜ TẠI KHU VỰC CỬA ĐẠI (HỘI AN) TỪ NĂM 1965 ĐẾN 2003
 
Lê Đình Mầu
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)

TÓM TẮT:
Bài báo đã phân tích phạm vi, mức độ và đặc điểm xói lở – bồi tụ tại khu vực Cửa Đại (Hội An) theo các thời kỳ khác nhau; Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng từ năm 1965 đến 2003 Cửa Đại đã di chuyển về phía đông-nam với khoảng cách xấp xỉ 900 m, tốc độ khoảng 23 m/năm. Thời kỳ mùa mưa dải bờ bắc và bờ nam của Cửa Đại có tốc độ xói lở – bồi tụ lớn gấp 1,5 ¸ 2 lần so với thời kỳ mùa khô. Bờ nam sông Cửa Đại (bờ sông) bị xói lở mạnh trong thời kỳ mùa mưa, nhưng lại được bồi nhẹ trong thời kỳ mùa khô. Mũi Cửa Đại được bồi tụ mạnh trong thời kỳ mùa mưa nhưng bị xói lở trong thời kỳ mùa khô. Nhìn chung, trong những năm gần đây bờ bắc bị xói lở nhẹ, bờ nam được bồi tụ, bờ sông bị xói lở. Nguyên nhân gây ra sự biến đổi bất thường của đường bờ tại khu vực Cửa Đại phần lớn là do sự tác động của sóng bão.
 
------------------------------------------------------
ĐẶC ĐIỂM LỚP TRẦM TÍCH CHỨA TRO NÚI LỬA PINATUBO Ở BỒN TRŨNG TRUNG TÂM BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM
 
Nguyễn Đình Đàn
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
  
TÓM TẮT:
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng: Lớp trầm tích chứa tro núi lửa Pinatubo có cấp độ hạt từ bùn sét đến bùn sét cát với độ chọn lọc tốt, thành phần vật liệu chủ yếu có nguồn gốc sinh vật và núi lửa và có biểu hiện khoáng hóa Mn, có sự phân hóa về các đặc điểm của trầm tích theo hai khu vực Tây và Đông của vùng nghiên cứu với ranh giới là trục tách giãn Biển Đông.
Lớp trầm tích này có thể xem là tầng trầm tích đánh dấu và các số liệu của bài báo có thể xem là những tài liệu mới có được trong bồn trũng trung tâm Biển Đông Việt Nam để làm cơ sở cho các nghiên cứu sau này.
   
------------------------------------------------------
CẢNH QUAN TỰ NHIÊN VÀ HIỆN TRẠNG KHAI THÁC TÀI NGUYÊN TRÊN CÁC CỒN NỔI, BÃI BỒI VÙNG HẠ LƯU SÔNG CỔ CHIÊN (ĐỊA PHẬN TỈNH TRÀ VINH)
  
Trịnh Thế Hiếu, Phạm Bá Trung
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
TÓM TẮT:
Dựa vào tài liệu của các chuyến khảo sát 9/2004, 10 và 11/2005 và 2 - 3/2006 tại các khu vực cồn nổi, bãi bồi vùng hạ lưu sông Cổ Chiên, thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh để viết công trình này:
1. Đặc điểm chung của các cồn nổi trong khu vực nghiên cứu là: ở phần trên các cồn nổi (phía trong sông) hiện đang bị xói lở khá mạnh, còn phần dưới (phía cửa sông ra biển) được bồi từ nguồn vật liệu chủ yếu là tại chỗ (vật liệu do xói lở từ chính các cồn) và do sông chuyển ra.
2. Các bãi bồi có xu thế phát triển chung là luôn được tôn cao và kéo dài về phía cửa biển. Nằm trong quy luật phát triển chung của vùng châu thổ sông Cửu Long, các bãi bồi thuộc phạm vi tỉnh Trà Vinh cũng theo trình tự phát triển là: bãi bồi à cồn nổi à đảo chắn cửa.
3. Hiện tại việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên (đất, khoáng sản) trong vùng được thực hiện theo quy hoạch tổng thể của địa phương, tuy nhiên đôi lúc, đôi nơi vẫn xảy ra những diễn biến phức tạp như: nhiều hộ khai thác khoáng sản (cát) trên sông không có giấy phép; chuyển đổi đất chưa thật hợp lý (chặt phá dải rừng ngập mặn ven sông làm ao nuôi thuỷ sản;..). Những hoạt động này là một trong những tác nhân gây ra sự biến đổi cảnh quan các bãi bồi, cồn nổi trong khu vực. 
 
------------------------------------------------------
MỘT SỐ DẪN LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG NƯỚC KHU VỰC XUÂN TỰ - RẠN TRÀO, KHÁNH HÒA
  
Lê Thị Vinh
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
  
TÓM TẮT:
Các số liệu thu được vào mùa khô (tháng 5) và mùa mưa (tháng 10) năm 2004 tại khu vực Xuân Tự - Rạn Trào cho thấy:
Hàm lượng các yếu tố amonia, nitrite trong cột nước không đáng kể, hàm lượng nitrate ở mức trung bình và không có sự khác biệt về hàm lượng các muối dinh dưỡng này giữa 2 đợt khảo sát.
Hàm lượng phosphate, silicate và P hữu cơ trong đợt khảo sát tháng 10 thường cao hơn so với tháng 5 trong khi hàm lượng N hữu cơ thấp hơn.
Hàm lượng vật lơ lửng không lớn và không có sự tập trung cao của chất hữu cơ trong nước và trong vật lơ lửng. 
Tốc độ lắng đọng trầm tích tương đối lớn.
Vào tháng 5 tỉ lệ trung bình N/P=17,4. Tỉ số này tương đối cân bằng với tỉ số Redfield trong lúc nitrate có vai trò yếu tố dinh dưỡng giới hạn vào tháng 10 (tỉ lệ trung bình N/P=6,4). Tỉ số N/Si luôn nhỏ hơn 1 khá nhiều trong cả hai đợt khảo sát.
Căn cứ theo một số tiêu chuẩn nước thủy sản hiện hành, môi trường nước khu vực ven bờ Xuân Tự và lân cận Rạn Trào còn khá tốt vào các thời kỳ khảo sát về mặt muối dinh dưỡng. Hàm lượng amonia, nitrite, nitrate và vật lơ lửng luôn nằm trong phạm vi cho phép trong lúc hàm lượng phosphate đã cao hơn tại một số trạm vào tháng 10.
 
 ------------------------------------------------------
HÀM LƯỢNG CÁC KIM LOẠI NẶNG Pb, Cd và Cr TRONG MỘT SỐ LOÀI CỎ BIỂN VÀ ĐỘNG VẬT THÂN MỀM TẠI KHU VỰC BIỂN MỸ GIANG, VỊNH VÂN PHONG
 
  
Lê Thị Vinh
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
  
TÓM TẮT:
Kết quả nghiên cứu về hàm lượng các kim loại Pb, Cd và Cr trong một số loài cỏ biển và động vật thân mềm tại vùng biển Mỹ Giang trong năm 2005 cho thấy:
Hàm lượng trung bình của các kim loại nặng trong lá của Cỏ Vích (Thalassia hemprichii) và Cỏ Lá Dừa (Enhalus acoroides) tương đối thấp, dao động từ 0,32  tới 1,15 µg/g khô đối với Pb; 0,11 - 0,27 µg/g khô đối với Cd; 0,59 - 2,27 µg/g khô đối với Cr. 
Hàm lượng trung bình của các kim loại trong Ốc Mặt Trăng (Turbo bruneus), Ốc Bàn Tay (Lambis lambis) và Hàu (Saccostrea cucullata) không cao, dao động từ 1,2 - 9,5 µg/g khô đối với Pb; 0,4 - 3,1 µg/g khô đối với Cd; và 1,0 - 5,8 µg/g khô đối với Cr. 
Không có sự khác biệt rõ rệt về hàm lượng các kim loại Pb, Cd và Cr trong các loài cỏ biển và các loài động vật thân mềm ở khu vực Mỹ Giang so với các khu vực Cam Ranh, Nha Trang và Xuân Tự.
Về mặt an toàn thực phẩm, hàm lượng các kim loại Pb, Cd và Cr trong các loài động vật thân mềm tại khu vực Mỹ Giang vẫn nằm trong giới hạn cho phép do Bộ Y tế Việt Nam và Hồng Kông qui định.
 
 ------------------------------------------------------
ẢNH HƯỞNG CỦA Zn VÀ Cu TỪ HẠT NIX  CỦA NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI -VINASHIN TỚI CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG MỸ GIANG, VỊNH VÂN PHONG
  
Lê Thị Vinh, Phạm Văn Thơm, Nguyễn Hồng Thu,
Dương Trọng Kiểm, Phạm Hữu Tâm
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
  
TÓM TẮT:
Để đánh giá ảnh hưởng của Zn và Cu từ hạt NIX của nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin (HVS) tới chất lượng môi trường Mỹ Giang (2005), các mẫu đã được thu tại khu vực gần nhà máy và một số khu vực xa nhà máy (Mũi Dù, Cam Ranh, Xuân Tự và Nha Trang). Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy Zn và Cu trong hạt NIX thải từ nhà máy đóng tàu HVS đã:
Làm tăng hàm lượng của các kim loại Zn, Cu trong vật lơ lửng và phần bùn sét của trầm tích tại Mỹ Giang (so với Mũi Dù).
Làm tăng hàm lượng của Zn và Cu trong lá của Cỏ Lá Dừa (Enhalus acoroides)  tại Mỹ Giang (so với Cam Ranh và Xuân Tự).
Làm tăng hàm lượng Zn và Cu trong cơ thể một số loài động vật thân mềm như Ốc Mặt Trăng (Turbo bruneus), Ốc Bàn Tay (Lambis lambis) và Hàu (Saccostrea cucullata) tại Mỹ Giang (so với Nha Trang, Mũi Dù). Đáng chú ý là hàm lượng Zn và Cu trong Hàu Saccostrea cucullata đã vượt quá giới hạn cho phép của Bộ Y Tế Việt Nam.
Làm tăng hàm lượng Zn và Cu trong nước giếng, lơ lửng và phần bùn sét của trầm tích giếng gần nhà máy (so với giếng cách xa nhà máy).
Để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của Zn và Cu trong hạt NIX cần thiết phải:  che đậy hạt NIX trong và ngoài nhà máy; di dời các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng của bụi hạt NIX; cảnh báo người dân địa phương về ảnh hưởng độc hại của kim loại trong các loài thân mềm; tìm các công nghệ xử lý hạt NIX thải ra một cách an toàn và có hiệu quả.
 
 ------------------------------------------------------
MỘT SỐ YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG VÀ SỰ PHÂN BỐ CỦA THỰC VẬT PHÙ DU Ở VỊNH VÂN PHONG VÀ CAM RANH, KHÁNH HÒA, VIỆT NAM
 
  
Thái Ngọc Chiến1, Rune Rosland2, Knut Barthel3,
Bùi Hồng Long4, Nguyễn Tác An
     1. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Việt Nam
     2. Khoa sinh, Trường Đại học Bergen, Nauy
     3. Viện địa lý, Trường Đại học Bergen, Nauy
     4. Viện Hải Dương Học Nha Trang, Việt Nam
 
  
TÓM TẮT:
Phân tích 2 dữ liệu của các đợt khảo sát thuộc Dự án NUFU năm 2004 và 2005 cho thấy thành phần và sinh khối thực vật phù du ở vịnh Vân Phong và Cam Ranh biến đổi theo mùa rất rõ. Thành phần chủ yếu của thực vật phù du ở ven biển Khánh Hòa là Tảo Silic. Ở vịnh Cam Ranh Tảo Silic chiếm ưu thế, còn ở vịnh Vân Phong là Tảo Hai Roi (Dinoflagellates). Tính đa dạng sinh học của thực vật phù du ở Vân Phong cao (192 loài) còn ở vịnh Cam Ranh là 166 loài. Có 67% thành phần loài giống nhau. Sinh khối trung bình của Tảo Silic và Tảo Hai Roi ở vịnh Cam Ranh tương ứng là 48 mgC m-3 và 7 mgC m-3, trong khi ở vịnh Vân Phong mật độ của 2 loại tảo này chỉ đạt 26 mg C m-3 and 4 mg C m-3. Thành phần loài và sinh khối thực vật phù du tại các khu vực này có quan hệ với các quá trình động lực (khả năng xáo trộn) lượng mưa và chế độ gió. Sinh khối thực vật phù du ở vịnh Cam Ranh  là 63,0 mgC m-3 trong khi đó ở vịnh Vân Phong là 30,7 mgC m-3. Tỷ lệ DIN:DIP ở vịnh Vân Phong và Cam Ranh tương ứng là 9 và 14.
Từ khóa: Thực vật phù du, Tảo Silic, Tảo Hai Roi, DIN, DIP, môi trường, nuôi trồng thủy sản.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC ĐẦM THỊ NẠI - VỊNH QUY NHƠN
                               
Nguyễn Hữu Huân, Lê Lan Hương,
Võ Duy Sơn, Lê Trần Dũng, Lê Hoài Hương
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Trên cơ sở xử lý nguồn dữ liệu thu thập được từ năm 2001-2005, chất lượng môi trường đầm Thị Nại và vịnh Quy Nhơn được đánh giá, thảo luận. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng môi trường nước vùng đầm Thị Nại - vịnh Quy Nhơn còn tương đối tốt, sức sản xuất sơ cấp của vực nước khá cao. Tuy nhiên, chi tiết hơn có thể nhận thấy:
Chất lượng môi trường vùng đầm Thị Nại kém hơn so với vịnh Quy Nhơn. Đây là những khu vực đang và sẽ phát triển kinh tế - xã hội sôi động nhất của tỉnh nên cần phải dành sự quan tâm xây dựng giải pháp quản lý các hoạt động kinh tế-xã hội và môi trường hợp lý để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ an toàn môi trường sinh thái.
Các thành phần: kim loại nặng, thuốc trừ sâu, dầu (hydrocarbon) và vi khuẩn gây bệnh (vibrio, coliform) đã có mặt với hàm lượng đáng lưu ý hoặc vượt mức cho phép ở một số nơi. Do đặc tính của các tác nhân ô nhiễm: dễ bùng phát, lây lan nhanh (vibrio và coliform), có độc tính sinh thái cao và bền vững (dầu, kim loại nặng, thuốc trừ sâu) nên cần phải xây dựng chiến lược quan trắc và quản lý hết sức chặt chẽ để phòng tránh nguy cơ sinh thái đối với vực nước.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
THỰC VẬT PHÙ DU Ở ĐẦM NHA PHU, KHÁNH HÒA, VIỆT NAM
 
 
 
Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Thị Mai Anh, Đoàn Như Hải, Hồ Văn Thệ
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Mẫu định tính Thực vật phù du (TVPD) được thu thập trong 12 tháng liên tục từ tháng IV/2004 đến tháng V/2005, bằng lưới hình chóp có mắt lưới 25 µm, trong khi đó mẫu định lượng được thu 1.000 ml nước biển bằng chai thu mẫu Niskin. Kết quả cho thấy vùng nước nông này có thành phần loài khá đa dạng với 232 loài TVPD được ghi nhận chủ yếu là các loài Tảo Silic với 150 loài chiếm 65% và Tảo Hai Roi với 75 loài chiếm 32%. Không có sự khác biệt lớn ý nghĩa về thành phần loài giữa các tháng nghiên cứu.  Chỉ số đa dạng loài Thực vật phù du cao vào khoảng giữa cuối mùa khô và thấp trong khoảng thời gian mùa mưa.  Mật độ tế bào TVPD đạt đỉnh cao vào thời kỳ tháng IX, đầu mùa mưa, cũng là thời kỳ chuyển tiếp của 2 đợt gió mùa. Sự nở hoa của loài Alexandrium pseudogoniaulax không ảnh hưởng đến sự phát triển của Tôm Sú nuôi.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
TẢO HAI ROI (DINOPHYTA) VÙNG VEN BIỂN BÌNH THUẬN
 
 
 
 
Hồ Văn Thệ, Nguyễn Ngọc Lâm
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu biến đổi sinh khối, mật độ và thành phần loài Tảo Hai Roi vùng ven biển Bình Thuận. Đã xác định được 97 loài Tảo Hai Roi thuộc 6 bộ, 17 họ, 24 chi. Mật độ tế bào Tảo Hai Roi dao động rất lớn theo thời gian trong năm, thấp nhất vào tháng II (700 tế bào/lít), cao nhất vào tháng X (3.600 tế bào/lít). Trong thời kỳ gió mùa Tây Nam, có hai đỉnh cao về mật độ (tháng V – 2.900 tế bào/lít và tháng VIII – 2.400 tế bào/lít) và trong thời kỳ gió mùa Đông Bắc mật độ cao nhất vào tháng X (3.600 tế bào/lít). Sinh khối trung bình Tảo Hai Roi dao động trong khoảng 0,32 – 5,90 µgC/lít.
Từ khoá: Bình Thuận, sinh khối, mật độ tế bào, Tảo Hai Roi.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA RONG NHO BIỂN (CAULERPA LENTILLIFERA)
 
 
 
 
Nguyễn Hữu Đại, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Xuân Vỵ    
Phạm Hữu Trí, Nguyễn Thị Lĩnh
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Rong Nho (Caulerpa lentillifera) còn được gọi là trứng Cá Hồi Xanh (green caviar) hoặc Nho biển (sea grapes). Đó là nguồn rất tốt cung cấp các vitamin A, C và các vi lượng như sắt, iod, calcium. Chúng đã được phát triển nuôi trồng ở Nhật Bản, Philippin, Thái Lan…Ở Việt Nam, với nguồn giống nhập từ Nhật, loài rong này đã được nuôi, tạo giống trong phòng thí nghiệm Viện Hải dương học.
Rong Nho sinh sản dinh dưỡng là chủ yếu. Thân đứng và thân bò đều có thể sinh trưởng và phát triển thành tản rong mới. Nhưng sử dụng các đoạn rong dài 10 - 20 cm là tốt nhất. Khối lượng rong ban đầu 100 g tươi/m2 là phù hợp. Tốc độ sinh trưởng của Rong Nho tốt  nhất trên nền đáy là bùn pha cát xốp. Tốc độ sinh trưởng có thể đạt 2,59%/ngày. Độ mặn tốt nhất ở 33‰. Rong sinh trưởng và phát triển tốt trong khoảng cường độ ánh sáng từ 50 đến 250 mol.s-1.m-2. Ở cường độ ánh sáng quá mạnh (500 mol.s-1.m2) năng suất thấp. Khi nhiệt độ tăng đến 340C cường độ quang hợp của rong giảm. Rong trồng trong ao đìa tự nhiên phát triển tốt, tốc độ sinh trưởng trung bình 2,99%/ngày ( nguồn giống ban đầu là 100 g/m2).
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
MỘT SỐ KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM SINH SẢN NHÂN TẠO ỐC ĐỤN CÁI TROCHUS NILOTICUS (LINNE, 1767)
 
 
 
 
Đỗ Hữu Hoàng, Hứa Thái Tuyến, Hoàng Đức Lư
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Ốc Đụn cái - Trochus niloticus  (Linne, 1767) là loài thân mềm sống ở rạn san hô với phân bố rộng ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc khai thác quá mức vì mục đích kinh tế đã làm cho nguồn lợi tự nhiên của loài này suy giảm nghiêm trọng. Một trong những xu hướng để phục hồi và phát triển nguồn lợi của Ốc Đụn là cho sinh sản nhân tạo và thả ra ngoài tự nhiên. Kết quả thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo Ốc Đụn tại Viện Hải dương học cho thấy, 2 phương pháp kích thích nhiệt và kích thích bằng đèn cực tím đều đem lại hiệu quả sinh sản cao. Trong 11 lần sinh sản nhân tạo, có 3 lần thu được con non với tỷ lệ sống trung bình là 0,42%. Trong số đó, có 1 lần thế hệ F1 sinh sản thành công và thu được con non với tỷ lệ sống trung bình 0,77%. Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở để hoàn thiện qui trình sản xuất giống nhân tạo, mở ra 1 hướng mới trong việc phục hồi nguồn lợi Ốc Đụn ở Việt Nam.
 
-----------------------------------------------------
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN PHÔI VÀ SỰ BIẾN THÁI ẤU TRÙNG ỐC ĐỤN CÁI – TROCHUS NILOTICUS LINNE, 1767
 
 
 
 
Hoàng Đức Lư, Võ Sĩ Tuấn, Đỗ Hữu Hoàng, Hứa Thái Tuyến
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Trứng Ốc Đụn cái có hình cầu, đường kính trung bình 218,33 ± 22,092 µm. Trứng được bao quanh bằng một màng nhầy có đường kính trung bình 516,66 ± 36,187 µm. Ở nhiệt độ nước 27,5 – 310C, độ mặn 33‰ sự phân cắt đầu tiên xảy ra sau khi trứng thụ tinh khoảng 50 phút. Sự phân cắt kết thúc sau 8 giờ. Sau 12 giờ 30 phút trứng nở ra ấu trùng trochophore, khoảng 36-40 giờ bắt đầu xuất hiện ấu trùng veliger. Sau 48-50 giơÌ€ ấu trùng lắng đáy và sự biến thái kết thúc sau khoảng  60 giơ.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA ỐC NHẢY ĐỎ LỢI (STROMBUS LUHUANUS LINNAEUS, 1758) Ở VÙNG BIỂN KHÁNH HÒA
 
 
 
 
Huỳnh Minh Sang, Đỗ Hữu Hoàng
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Nghiên cứu này được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2005. Kết quả cho thấy chiều cao vỏ Ốc Nhảy khai thác dao động từ 26 – 72 mm, tập trung ở nhóm 42 – 48 mm; các thông số của phương trình tăng trưởng Von Betalanffy tính được như sau: L∞= 75,6mm, K=0,51/năm, to= 0 năm; Tương quan chiều cao trọng lượng của cá thể đực và cái không khác nhau, cụ thể là: W♀= 0,0005 x L♀2,6903, W♂ = 0,0004 x L♂2,7323. Kết quả nghiên cứu sinh học sinh sản cho thấy, ở Khánh Hòa, mùa đẻ của Ốc Nhảy Đỏ Lợi kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9,  đẻ rộ từ tháng 4 đến tháng 7; Sức sinh sản trung bình là 251.080 ± 89.843 trứng/cá thể; cao nhất đạt hơn 441.000 trứng và thấp nhất 166.000 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương đối trung bình là 8.353 ± 2.869 trứng/gam trọng lượng cơ thể. Tỷ lệ đực : cái trong quần đàn tự nhiên của Ốc Nhảy Đỏ Lợi là 1,27:1. Kích thước thành thục sinh dục lần đầu là 41,02 mm chiều cao vỏ. Thành phần thức ăn trong ống tiêu hóa của ốc nhiều nhất là cát, mùn hữu cơ và propotozoe. Kết quả trên là cơ sở cho việc nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo loài Ốc Nhảy này.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
KẾT QUẢ NUÔI THỬ NGHIỆM ỐC NHẢY ĐỎ LỢI (STROMBUS LUHUANUS LINNAEUS, 1758) Ở NHA TRANG - KHÁNH HÒA - VIỆT NAM
 
 
 
 
Huỳnh Minh Sang, Hà Lê Thị Lộc, Nguyễn Thị Kim Bích,
Hồ Thị Hoa, Nguyễn Thị Thanh Thủy
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Thí nghiệm nuôi giữ Ốc Nhảy Đỏ Lợi với 2 loại thức ăn là Rong Mơ xay nhuyễn và cám gạo được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2005 với 2 nhóm ốc có kích thước trung bình ban đầu là 36,10  2,54 (s.d.)  mm và 55,24  3,88 (s.d.) mm. Tỷ lệ sống trung bình trên 96% sau 105 ngày nuôi. Đối với ốc có kích thước nhỏ, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của ốc cho ăn cám cao hơn so với ốc cho ăn rong. Đối với ốc có kích thước lớn tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống khác nhau không đáng kể. Kết quả này là cơ sở để nuôi giữ ốc bố mẹ phục vụ cho sinh sản nhân tạo, cũng như nuôi thương phẩm Ốc Nhảy.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
VÀI DẪN LIỆU VỀ SINH SẢN CỦA ỐC GẠO - CIPANGOPALUDINA LETHOIDES (BENSON, 1857) Ở HUYỆN CHỢ LÁCH, TỈNH BẾN TRE
 
 
 
 
Nguyễn Văn Lục, Huỳnh Minh Sang
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Dựa vào dữ liệu của 12 chuyến khảo sát sinh học Ốc Gạo ở khu vực đáy sông xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trong năm 2004 – 2005, bài viết trình bày một số dẫn liệu về đặc điểm sinh sản của Ốc Gạo, như mùa sinh sản, sức sinh sản, kích thước cá thể nhỏ nhất có thể tham gia sinh sản, cách sinh sản,…
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
ĐẶC ĐIỂM SINH TRƯỞNG CỦA NGHÊU LỤA PAPHIA UNDULATA (BORN, 1778) Ở VÙNG BIỂN BÌNH THUẬN
 
 
 
 
Hứa Thái Tuyến, Võ Sĩ Tuấn, Nguyễn Thị Kim Bích
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Kết quả tính toán theo các phương pháp khác nhau dựa trên bộ mẫu 3.612 cá thể  thu từ tháng 8/2002 đến tháng 5/2005 ở vùng biển Bình Thuận cho thấy, Nghêu Lụa đạt chiều cao cực đại (H∞) trong khoảng 48,34 mm – 53,89 mm với hệ số sinh trưởng K = 0,89 – 1,126. Đàn nghêu khai thác chủ yếu thuộc vào nhóm tuổi 1+ và có kích thước khai thác lớn nhất ở vùng biển Hàm Tân. Giá trị b > 3 của hàm tương quan kích thước khối lượng (W = aHb) chứng tỏ tốc độ tăng trưởng của khối lượng toàn thân và phần mềm cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của chiều cao. Vì vậy, khai thác nghêu càng lớn càng mang lại hiệu quả cao. Biến thiên giá trị độ béo cho phép nhận định rằng nghêu phát triển tốt từ tháng 8 – 12 hàng năm, tức trong và sau thời kỳ chịu ảnh hưởng của nước trồi. So với các vùng biển Phan Thiết và Phan Rí, Hàm Tân được coi là nơi có điều kiện sống thuận lợi hơn đối với Nghêu Lụa.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
LẤY GIỐNG HÀU CRASSOSTREA  VÀ PHÁT TRIỂN NUÔI HÀU SỮA CRASSOSTREA LUGUBRIS THƯƠNG PHẨM Ở ĐẦM NHA PHU KHÁNH HÒA
 
 
 
 
Cao Văn Nguyện, Nguyễn Tác An
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT :
Các thử nghiệm về lấy giống và nuôi Hàu Sữa (Crassostrea lugubris) được tiến hành ở đầm Nha Phu từ năm 2003 – 2005, kết quả cho thấy: Thời gian lấy giống tốt nhất trong năm:
- Vụ 1 : từ  25/3 – cuối tháng 6.
- Vụ 2: khoảng từ 1/9 – 25/10. Bãi lấy giống phải gần bãi hàu bố mẹ, vật bám lấy giống  đa dạng như vỏ của những loài hai mảnh vỏ, cành cây khô của rừng ngập mặn, lốp xe, tấm nhựa, mảnh lưới, đá, ngói,…Hình thức lấy giống có thể ở tầng nước lơ lửng hoặc ở tầng đáy nếu đáy cứng.
Đã phát triển nuôi ở ba hình thức nuôi khác nhau tại vùng đầm Nha Phu: nuôi cọc, nuôi giàn treo, nuôi rải đáy. Tăng trưởng, tỷ lệ sống của ba hình thức nuôi như sau:
- Hình thức nuôi cọc tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9  0,5 mm/tháng chiều dài vỏ, và  trọng lượng tương ứng 9,6  0,3g/tháng, tỷ lệ sống là 100%.
- Hình thức nuôi giàn treo tốc độ tăng trọng trung bình 1 tháng tuổi tăng về chiều dài là 8,4  0,5 mm, trọng lượng trung bình là 8,2  0,5g, tỷ lệ sống đạt 97%.
- Hình thức nuôi đáy tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,6  0,6mm/tháng chiều dài vỏ, và trọng lượng tương ứng 7,4  0,6g/tháng, tỷ lệ sống 82%.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
HIỆN TRẠNG NUÔI HẦU - CRASSOSTREA LUGUBRIS (SOWERBY, 1871) VÙNG ĐẦM LĂNG CÔ - THỪA THIÊN HUẾ
 
 
 
 
Hà Lê Thị Lộc, Nguyễn Thị Kim Bích
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Kết quả 2 đợt điều tra vào mùa khô và mùa mưa ở vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận trong năm 2001 cho thấy hàu Crassostrea lugubris đã được nuôi tại vùng đầm Lăng Cô – Thừa Thiên Huế. Các hình thức nuôi đã được sử dụng như: lồng treo trên giàn, cọc xi măng, cọc gỗ, lốp xe cũ, và trên đá. Chất đáy vùng nuôi là: bùn hoặc bùn cát. Độ mặn vùng nuôi vào mùa mưa là 4 - 5‰ và mùa khô là 27 -30‰. Độ sâu vùng nuôi dao động từ 1m đến 4m. Nguồn giống tự nhiên. Vụ nuôi khoảng 10 tháng. Diện tích nuôi ở đầm Lăng Cô là 129.749m2 và sản lượng thu năm 2001 là 170.935kg.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG VI SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG HÀU (CRASSOSTREA LUGUBRIS) NUÔI Ở ĐẦM NHA PHU
 
 
 
 
Lê Lan Hương, Lê Hoài Hương, Võ Hải Thi
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Ngày nay an toàn thực phẩm ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của xã hội. Tần suất  ngộ độc thức ăn đã và đang là lời cảnh báo cho cộng đồng cần có thông tin cập nhật về an toàn thực phẩm. Qua 14 tháng theo dõi và kiểm tra chất lượng vi sinh an toàn thực phẩm cho thấy, con hàu (Crassostrea lugubris) nuôi ở đầm Nha Phu luôn bị đe dọa do vi khuẩn gây bệnh trong môi trường. Các vi khuẩn nhóm Coliform, Vibrio và Escherichia coli, Staphylococcus aureus có trong cơ thể hàu với mật độ cao thường xuyên. Cần có biện pháp giám sát, kiểm nghiệm hợp lý thực phẩm hải sản này nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng.
 
 
 
-----------------------------------------------------
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC SINH SẢN CỦA VẸM XANH Perna viridis (Linnaeus, 1758) TRONG KHU VỰC NUÔI TÔM HÙM LỒNG Ở VÙNG XUÂN TỰ, VẠN NINH, KHÁNH HÒA
 
 
 
 
Bùi Quang Nghị
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Qua kết quả thu thập và phân tích 330 cá thể Vẹm Xanh (Perna viridis) từ tháng 5 năm 2003 đến tháng 3 năm 2004 cho thấy rằng: Tuyến sinh dục của Vẹm Xanh nuôi thử nghiệm ở vùng Xuân Tự phát triển bình thường và cũng đã tham gia sinh sản. Tỉ lệ đực cái trong toàn khu vực nuôi thử nghiệm là 1 : 0,84. Kích thước thành thục sinh dục của vẹm là khoảng 50 mm chiều dài vỏ. Vẹm nuôi thử nghiệm tham gia sinh sản lần đầu vào tháng 9 và rộ nhất vào tháng 11 – 12.
 
 
 
-----------------------------------------------------
MÔ TẢ CÁC LOÀI DA GAI (ECHINODERMATA) BỔ SUNG CHO KHU HỆ ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG BIỂN VIỆT NAM (TIẾP THEO)
 
 
 
 
Đào Tấn Hỗ
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Đây là bài báo thứ hai mô tả các loài Da Gai (Echinodermata) đã được phát hiện và bổ sung cho danh mục thành phần loài động vật không xương sống (Invertebrata) ở biển Việt Nam (Bài thứ nhất đã được đăng trong Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển, Phụ trương 4 (5), 2005: 139-149).
Bài báo này giới thiệu tiếp 08 loài Đuôi Rắn (lớp Ophiuroidea) sau đây: Ophiothrix (Keystonea) propinqua, Ophiothrix (Ophiothrix) plana, Ophiothrix (Ophiothrix) trilineata, Ophiomusium scalare, Ophiomusium simplex, Ophioconis permixta, Ophiopsammus yoldii và Ophiozonella subtilis.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
DẪN LIỆU VỀ HÌNH THÁI  VÀ TÌNH HÌNH KHAI THÁC LOÀI CÁ LẦM TRÒN NHẲNG SPRATELLOIDES GRACILIS (TEM. & SCHL., 1846)  Ở VÙNG BIỂN NHA TRANG - KHÁNH HÒA
 
 
 
 
Võ Văn Quang, Hồ Bá Đỉnh, Lê Thị Thu Thảo,
Nguyễn Phi Uy Vũ, Trần Thị Hồng Hoa
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về hình thái phân loại và sơ bộ về tình hình nguồn lợi của loài Cá Lầm Tròn Nhẳng Spratelloides gracilis (Tem. & Schl., 1846) ở vùng biển Nha Trang Khánh Hòa. Kết quả cho thấy đây là loài cá khai thác chủ yếu bằng nghề lưới trủ (vây cá cơm) quanh năm, cho sản lượng cao. Đồng thời cũng đưa ra một số đặc điểm dễ phân biệt với các loài trong giống Cá Cơm thuộc hai giống Encrasicholina và Stolephorus.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
CẢI TIẾN QUI TRÌNH  SẢN XUẤT GIỐNG CÁ NGỰA ĐEN (Hippocampus kuda)  Ở VÙNG BIỂN KHÁNH HÒA
 
 
 
 
1. Trương Sĩ Kỳ, Hoàng Đức Lư,
2. Ngô Đăng Nghĩa, Đặng Thúy Bình, Bùi Văn Khánh
1. Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
2. Đại Học Thủy Sản Nha Trang
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Thí nghiệm sản xuất giống Cá Ngựa Đen được tiến hành từ ngày 7/6/2006 -  6/7/2006, tại Viện Hải dương học - Nha Trang. Hệ thống nuôi tuần hoàn gồm 3 bể kính, có dung tích mỗi bể là 150 lít. Thiết kế lọc sinh học bằng san hô chết với thể tích bằng 1/3 hệ thống bể nuôi. Tỉ lệ thay nước ngày đêm của bể nuôi xấp xỉ 300% - 500%. Mật độ nuôi 1 con/ lít. Kết quả nghiên cứu cho thấy Cá Ngựa Đen tăng trưởng khá nhanh, cá con ở bể số 1 lớn nhất  (L trung bình) - 27,50 mm, cá tăng trưởng chậm nhất ở bể thí nghiệm số 3: L - 25,70 mm. Dùng phép thử ANOVA để kiểm tra số liệu thí nghiệm, kết quả cho thấy sự sai khác nói trên là không có ý nghĩa (P>0,001). Tỉ lệ sống của cá 1 tháng nuôi dao động 64% - 76%. Kết quả nghiên cứu  được thảo luận chi tiết trong báo cáo.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
THỬ NGHIỆM NUÔI LỒNG CÁ NGỰA ĐEN (HIPPOCAMPUS KUDA) TẠI VỊNH NHA TRANG – KHÁNH HÒA
 
 
 
 
Hồ Thị Hoa
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT :
Cá Ngựa Đen Hippocampus kuda đã được nuôi tại vịnh Nha Trang từ tháng 11/2005 tới tháng 3/2006 thử nghiệm với ba loại tuổi khác nhau:  45, 60 và 75 ngày tuổi.
Tốc độ tăng trưởng chiều dài thân trung bình  sau hai tháng nuôi của loại 75 ngày tuổi là 0,61 mm/ngày, loại 60 ngày tuổi 0,62 mm/ngày và loại 45 ngày tuổi là 0,64 mm/ngày.
Tỉ lệ sống của loại 45 ngày tuổi đạt 60,3%, loại 60 ngày tuổi đạt 77,5% và loại 75 ngày tuổi đạt 89,4%.
 
 
 
 
-----------------------------------------------------
ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH CHIẾT CÂY DỪA CẠN (CATHARANTHUS ROSEUS (L.) G. DON)  QUA THỨC ĂN LÊN HOẠT TÍNH CỦA MEN TRAO ĐỔI PHỐT PHÁT TRONG HUYẾT TƯƠNG VÀ SỨC KHÁNG KHUẨN AEROMONAS HYDROPHILA Ở CÁ  TRÔI (LABEO ROHITA HAM.) GIỐNG
 
 
 
 
Nguyễn Thị Thanh Thủy
Viện Hải Dương Học (Nha Trang)
 
 
 
 
TÓM TẮT:
Cá Trôi giống (Labeo rohita Ham.) ăn thức ăn có chứa dịch chiết cây Dừa Cạn (Catharanthus roseus (L.) G. Don) với liều lượng 10, 20 và 30 ml/100g thức ăn, tương ứng với các lô xử lý là T1, T2 và T3. Sau 3 tuần, mẫu máu cá ở các lô thí nghiệm được thu để xác định hoạt tính của men trao đổi phốt phát (alkaline phosphatase (ALP) và acid phosphatase (ACP)) trong huyết tương. Sau đó các lô cá được tiêm chủng với vi khuẩn Aeromonas hydrophila chết (xử lý formol 1%). Sau hai tuần tiêm chủng, tất cả các lô cá được gây cảm nhiễm với vi khuẩn A. hydrophila sống. Kết quả cho thấy dịch chiết cây Dừa Cạn (C. roseus (L.) G. Don) qua thức ăn đã ảnh hưởng đáng kể (P<0,05) tới hoạt tính men trao đổi phốt phát ALP trong huyết tương của Cá Trôi (Labeo rohita Ham.). Hoạt tính cả hai men trao đổi phốt phát ALP và ACP trong huyết tương biến động đáng kể sau khi cá được tiêm chủng và nhiễm khuẩn A. hydrophila. Ở nồng độ 10 và 20 ml/100g thức ăn (T1 và T2), hiệu quả của dịch chiết cây Dừa Cạn (C. roseus (L.) G. Don) lên sức kháng khuẩn A. hydrophila ở Cá Trôi (Labeo rohita Ham.) không rõ ràng (P>0,05). Khi nồng độ tăng lên 30 ml/100g thức ăn (T3), dịch chiết C. roseus (L.) G. Don đã ức chế sức kháng khuẩn của cá xử lý.
You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Người đăng: Administrator Account
Ngày đăng: 07/11/2007
Số lượt người xem: 13935

Quay Về
Lỗi Có lỗi xảy ra.
Error: Unable to load the Article Details page.


    
 Liên kết Đóng
    
 Phản hồi Đóng





CAPTCHA image
Nhập mã ở trên vào hộp dưới đây
Hủy Bỏ   Gửi
    
Copyright © 2012 - Trung tâm Dữ liệu và GIS - Viễn thám
  Tìm Kiếm