Friday, March 29, 2024  
..:: Trang chủ » Xuất bản » Tuyển tập nghiên cứu biển ::..   Login
 Trang chủ Minimize
    
 Số lượt truy cập Minimize
    
 Người Online Minimize
People Online People Online:
Visitors Visitors: 249
Members Members: 0
Total Total: 249

Online Now Online Now:
    
 Tuyển tập nghiên cứu biển Minimize
Tuyển tập nghiên cứu biển - Tập XVI (2009)

Năm xuất bản: 2009
Loại tài liệu: Tuyển tập nghiên cứu biển

MỤC LỤC

 

1.

BÙI HỒNG LONG, PHẠM XUÂN DƯƠNG. Kết quả tính toán thử nghiệm tốc độ dòng thẳng đứng trong vịnh Bình Cang- Nha Trang.

7

2.

LÊ ĐÌNH MẦU.  Đặc điểm trao đổi nước tại cửa Cung Hầu – Cổ Chiên (Sông Tiền) trong thời kỳ mùa khô.

16

3.

NGUYỄN BÁ XUÂN, TRẦN VĂN CHUNG. Nghiên cứu sự ảnh hưởng của nước dâng do cơn bão số 09 (2006) tại vịnh Gành Rái (Vũng Tàu).

29

4.

LÃ VĂN BÀI. Diễn biến các yếu tố ô nhiễm biển ven bờ Nam Việt Nam từ đất liền qua số liệu 12 năm quan trắc (1996-2007).

40

5.

HOÀNG TRUNG DU, LÊ TRẦN DŨNG. Đặc điểm phân bố của một số yếu tố sinh thái môi trường vịnh Vân Phong và Cam Ranh – Khánh Hòa.

49

6.

NGUYỄN TÁC AN, NGUYỄN VĂN HẢO, NGUYỄN MINH NIÊN. Một số giải pháp quản lý môi trường để phát triển nuôi hải sản bền vững ở bán đảo Cà Mau.

64

7.

LÊ THỊ VINH, LÃ VĂN BÀI, DƯƠNG TRỌNG KIỂM, NGUYỄN HỒNG THU, PHẠM HỮU TÂM, PHẠM HỒNG NGỌC. Dẫn liệu về muối dinh dưỡng và kim loại nặng trong nước biển tại mặt cắt Phan Rí- Phú Quí.

78

8.

NGUYỄN HỮU HUÂN. Động học muối dinh dưỡng vực nước ven bờ Nha Phu- Nha Trang.

89

9.

PHẠM THỊ MIỀN, LÊ LAN HƯƠNG, LÊ HOÀI HƯƠNG, VÕ HẢI THI. Vibrios và fecal coliform tại đầm Nha Phu- Khánh Hòa.

100

10.

CHÂU VĂN MINH, PHẠM QUỐC LONG. Một số nghiên cứu về các hoạt chất sinh học từ sinh vật biển Việt Nam.

112

11.

PHẠM QUỐC LONG, CHÂU VĂN MINH, IMBS A.B. Các sản phẩm tự nhiên từ sinh vật biển.

120

12.

PHẠM THỊ DỰ, ĐÀO TẤN HỌC. Mô tả các loài giáp xác (Crustacea) mới phát hiện ở biển Việt Nam qua chuyến thu mẫu trên tàu “Viện sĩ Oparin”.

130

13.

HỨA THÁI TUYẾN. Mô tả một số loài ốc không vỏ (bộ Nudibranchia) ghi nhận lần đầu ở Việt Nam.

145

14.

HỨA THÁI TUYẾN, NGUYỄN VĂN LONG, PHAN KIM HOÀNG, HOÀNG XUÂN BỀN, NGUYỄN AN KHANG, ĐÀO TẤN HỌC, PHAN THỊ KIM HỒNG, VÕ SĨ TUẤN. Thành phần, phân bố ốc không vỏ (Bộ Nudibranchia) trong rạn san hô vịnh Nha Trang.

152

15.

PHAN THỊ KIM HỒNG. Giun nhiều tơ (Polychaeta) trong rạn san hô vịnh Nha Trang.

161

16.

TRƯƠNG SĨ KỲ, HOÀNG ĐỨC LƯ, PHẠM VŨ LÃNG. Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau lên sự sinh trưởng và tỉ lệ sống cá giống, loại ngựa vằn (Hippocampus comes, Cantor, 1885)ở vùng biển miền Trung Việt Nam.

170

17.

VÕ VĂN QUANG, TRẦN THỊ LÊ VÂN, NGUYỄN HỮU PHỤNG. Sơ bộ nghiên cứu trứng cá và cá bột vùng biển vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà.

178

18.

ĐÀO TẤN HỖ, NGUYỄN THỊ MỸ NGÂN, NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM. Kết quả phân tích mẫu động vật da gai (Echinodermata) thu được trong hai chuyến khảo sát trên tàu “Viện sĩ Oparin”.

191

19.

HỒ VĂN THỆ, NGUYỄN NGỌC LÂM. Đa dạng sinh học tảo Hai Roi trong vùng rạn san hô ở một số hải đảo phía Nam Việt Nam.

203

20.

HỒ VĂN THỆ, NGUYỄN NGỌC LÂM. Tảo Hai Roi (Dinophyta) sống đáy vùng biển Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).

215

21.

NGUYỄN HỮU ĐẠI, PHẠM HỮU TRÍ, NGUYỄN XUÂN VỴ. Thành phần loài và nguồn lợi rong biển, cỏ biển đảo Phú Quý (Cù Lao Thu), Bình Thuận.

 225

 


KẾT QUẢ TÍNH TOÁN THỬ NGHIỆM TỐC ĐỘ DÒNG THẲNG ĐỨNG TRONG VỊNH BÌNH CANG – NHA TRANG

 Bùi Hồng Long, Phạm Xuân Dương

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Bài báo sẽ trình bày một số kết quả tính toán thử nghiệm tốc độ dòng thẳng đứng trong vịnh Bình Cang - Nha Trang bằng phương pháp sử dụng phương trình khuếch tán các hợp chất, dựa trên cơ sở các nguồn số liệu đo đạc nhiệt-muối liên tục theo phương thẳng đứng tại các trạm mặt rộng trong thời kỳ gió mùa Tây Nam (tháng 6, 7 ) và thời kỳ chuyển mùa (tháng 9, 10). Kết quả tính toán cho thấy:

-Trong thời kỳ gió mùa Tây Nam, ở vùng phía bắc liên vịnh Bình Cang-Nha Trang nhận thấy dòng thẳng đứng có xu thế đi lên từ đáy với tốc độ trung bình đạt xấp xỉ 5,210-3 cm/s; còn ở vùng phía nam dòng thẳng đứng có hướng đi xuống từ bề mặt với tốc độ trung bình đạt xấp xỉ -4,3  10-3 cm/s.

- Trong thời kỳ chuyển mùa, tại khu vực vịnh Bình Cang và ở vùng phía nam vịnh Nha Trang, dòng thẳng đứng nhìn chung có hướng đi xuống với tốc độ trung bình đạt xấp xỉ -4,210-4 cm/s. Còn ở vùng giữa vịnh Nha Trang, dòng thẳng đứng có xu thế đi lên với tốc độ trung bình xấp xỉ 5,9 10-2 cm/s.

 


 ĐẶC ĐIỂM TRAO ĐỔI NƯỚC TẠI CỬA CUNG HẦU – CỔ CHIÊN

 (SÔNG TIỀN) TRONG THỜI KỲ MÙA KHÔ

Lê Đình Mầu

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Bài báo trình bày kết quả tính toán các đặc trưng trao đổi nước tại hai mặt cắt cửa sông Cung Hầu và Cổ Chiên (sông Tiền) trong thời kỳ mùa khô (từ 26/2 đến 1/3/1997). Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự trao đổi nước trong một chu kỳ triều tại cửa Cung Hầu và Cổ Chiên là tương đối lớn, phức tạp, trong đó dòng triều chiếm ưu thế. “Nêm mặn” phát triển mạnh tại lạch phía bắc của Cung Hầu và lạch phía nam của Cổ Chiên khi thủy triều bắt đầu lên. Dao động lớn nhất diện tích mặt cắt tại Cung Hầu là 42%, Cổ Chiên là 31%. Lưu lượng trung bình chảy vào tại Cung Hầu là 3.713 m3/s, Cổ Chiên là 5.624 m3/s. Lưu lượng trung bình chảy ra tại Cung Hầu là 4.817 m3/s, Cổ Chiên là 5.837 m3/s. Lưu lượng trung bình dòng nước sông tại Cung Hầu là 547 m3/s, Cổ Chiên là 456 m3/s (tương ứng bằng 11% và 8% lưu lượng trung bình dòng chảy ra). Kết quả nghiên cứu bước đầu góp phần làm rõ các đặc trưng tương tác biển-sông tại các vùng cửa sông có ảnh hưởng triều, là cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách.

 


 NGHIÊN CỨU SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC DÂNG DO CƠN BÃO SỐ 09 (2006) TẠI VỊNH GÀNH RÁI (VŨNG TÀU)

Nguyễn Bá Xuân, Trần Văn Chung

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Nghiên cứu hiện tượng nước dâng bằng phương pháp phần tử hữu hạn với mạng lưới tính tam giác có thể cho phép đánh giá sự ảnh hưởng của địa hình đáy đến quá trình lan truyền sóng do bão gây ra. Bài báo trình bày một số kết quả nghiên cứu về hiện tượng nước dâng do ảnh hưởng của cơn bão số 09 (2006) đến vùng biển vịnh Gành Rái (Vũng Tàu) vào đầu tháng 12 năm 2006. Chúng tôi đã áp dụng phương pháp phần tử hữu hạn để giải hệ phương trình thủy động lực học trong vùng nước nông. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

- Trên cơ sở so sánh với kết quả phân tích điều hòa bằng phương pháp bình phương tối thiểu các số liệu đo đạc mực nước tại trạm Vũng Tàu trong thời gian 20 năm, từ năm 1987 đến 2006, đã cho thấy: cơn bão số 09(2006) đổ bộ vào vùng biển vịnh Gành Rái đã gây nên hiện tượng dâng cực đại khoảng 50cm vào thời điểm mực nước thủy triều thấp nhất (8 giờ/5/12/2006). 

- Để tính toán dự báo cho trường hợp giả định cơn bão số 09 (2006) đổ bộ vào vùng biển Vũng Tàu vào thời điểm mực nước thủy triều cao nhất, kết quả tính toán cho thấy: trong trường hợp này cơn bão số 09 (2006) đã gây ra hiện tượng nước dâng cực đại khoảng 66cm. Nếu tính trung bình trong toàn vùng nghiên cứu thì giá trị mực nước dâng vào khoảng 18cm.



DIỄN BIẾN CÁC YẾU TỐ Ô NHIỄM BIỂN VEN BỜ NAM VIỆT NAM TỪ ĐẤT LIỀN QUA SỐ LIỆU 12 NĂM QUAN TRẮC (1996-2007)

Lã Văn Bài

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Trên cơ sở số liệu quan trắc môi trường biển 12 năm (1996-2007)của Trạm Quan trắc và Phân tích Môi trường (QT&PTMTg) biển miền Nam, chúng tôi đánh giá sự biến động của 10 yếu tố quan trọng nhất có nguồn gốc từ đất liền như: vật chất lơ lửng, nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD5), nhu cầu ôxy hóa học (COD), nitrat, photphat, kim loại nặng Zn, Cu, As, hydrocarbon, coliform. Tuy thời gian xảy ra ô nhiễm và hệ số tai biến của các yếu tố trên ở các trạm chưa có quy luật rõ ràng, nhưng giá trị trung bình của chúng là khá lớn, và trong một số trường hợp là ô nhiễm đáng kể. Nhưng vấn đề môi trường bức xúc ở vùng biển ven bờ Nam Việt Nam hiện nay là chưa cảnh báo được sự xuất hiện của hiện tượng thu triều đỏ và sự cố tràn dầu, các sự cố này gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của cư dân ven biển.

 


  ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ CỦA MỘT SỐ YẾU TỐ SINH THÁI MÔI TRƯỜNG VỊNH VÂN PHONG VÀ CAM RANH- KHÁNH HÒA

Hoàng Trung Du, Lê Trần Dũng

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Bài báo tập trung phân tích các kết quả khảo sát mặt rộng, và trạm đo đạc liên tục thuộc dự án NUFU tại khu vực vịnh Vân Phong và Cam Ranh vào mùa khô (2/2004) và mùa mưa (12/2005), nhằm làm rõ biến động các yếu tố sinh thái môi trường theo không gian và thời gian.

Phân tích các tham số sinh thái trong vực nước ven bờ của 2 vịnh Vân Phong và Cam Ranh, cho thấy rằng sự biến động theo không gian và thời gian (theo mùa) của hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong cột nước là không lớn, không có sự sai khác giữa tầng mặt và tầng đáy. Lượng DO chỉ biến động theo ngày – đêm, điều này có thể do ảnh hưởng của các dòng triều: DO trung bình tại vịnh Vân Phong vào mùa khô tại tầng mặt là 6,72 ± 0,23mg/L; tầng đáy là 6,61 ± 0,18 mg/L; vịnh Cam Ranh: trung bình tại tầng mặt là 6,7 ± 0,38mg/L (dao động từ 6,08 – 7,20mg/L) và 6,88 ± 0,25mg/L. Đối với hàm lượng chlorophyll a, cho thấy tại vực nước vịnh Cam Ranh chlorophyll a luôn lớn hơn so với vịnh Vân Phong; chlorophyll a biến động theo mùa và độ sâu điểm lấy mẫu.

Về năng suất sinh học sơ cấp (NSSH), trung bình năng suất sinh học ở các điểm khảo sát đều lớn hơn 100mgC/m3, ngày; vào mùa mưa phân bố năng suất sinh học sơ cấp cho thấy chúng tập trung cao tại các điểm có độ sâu < 10m. Các kết quả cũng cho thấy rằng NSSH của thủy vực tại Cam Ranh cũng luôn lớn hơn NSSH ở vịnh Vân Phong. Tại các điểm đo đạc và khảo sát liên tục theo biến động ngày – đêm, cho thấy sự biến đổi mạnh của các yếu tố sinh thái như Oxy hòa tan và NSSH. Điều này cho thấy, mức độ ảnh hưởng của thủy triều và các quá trình trao đổi giữa bên trong và khối nước bên ngoài.

Key word: chlorophyll a, Năng suất sinh học.

 


MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT TRIỂN NUÔI HẢI SẢN BỀN VỮNG Ở BÁN ĐẢO CÀ MAU

Nguyễn Tác An1, Nguyễn Văn Hảo2, Nguyễn Minh Niên2

1Viện Hải dương học (Nha Trang)

2Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Tp. Hồ Chí Minh

TÓM TẮT

 Căn cứ các kết quả nghiên cứu đánh giá mối quan hệ biện chứng giữa nuôi hải sản với môi trường ở bán đảo Cà Mau (BĐCM), bài báo giới thiệu một số phương pháp chọn lựa các chỉ tiêu sinh thái - môi trường để phân vùng sinh thái làm cơ sở khoa học cho quy hoạch, phát triển các loại hình nuôi hải sản có hiệu quả cao. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu về địa mạo, mức ngập nước, xâm nhập mặn, các loại đất..., cho phép phân chia BĐCM ra 8 vùng nuôi hải sản theo tiếp cận quản lý phát triển nghề nuôi hải sản dựa vào hệ sinh thái. Bài báo còn giới thiệu giải pháp tiếp cận quản lý tổng hợp vùng ven biển để bảo đảm tối đa hóa lợi ích, phát triển đa ngành và đa mục tiêu: Kinh tế, xã hội và môi trường trong quá trình khai thác, sử dụng các tài nguyên môi trường ở vùng duyên hải.

Từ khóa: Quản lý tổng hợp, phát triển bền vững, nuôi hải sản, dựa vào hệ sinh thái, Cà Mau.

 


DẪN LIỆU VỀ MUỐI DINH DƯỠNG VÀ KIM LOẠI NẶNG TRONG NƯỚC BIỂN

TẠI MẶT CẮT PHAN RÍ - PHÚ QUÍ

Lê Thị Vinh, Lã Văn Bài, Dương Trọng Kiểm

Nguyễn Hồng Thu, Phạm Hữu Tâm, Phạm Hồng Ngọc

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

 Kết quả của 3 đợt khảo sát được thực hiện trong thời gian 2005-2007 tại mặt cắt Phan Rí - Phú Quí cho thấy dao động của các muối dinh dưỡng và kim loại nặng như sau: từ 0,3 - 3,7 mgN/l đối với nitrite; từ 27 - 64 mgN/l đối với nitrate; từ 0-60 mgN/l đối với ammonia; từ 3,9 -19,7 mgP/l đối với phosphate; từ 116 – 1.078 mgSi/l đối với silicate; từ 13,8 - 43,9 mg/l đối với Zn ; từ 0,9 – 5,8 mg/l đối với Cu; từ 0,9 – 3,8 đối với Pb và từ 83 - 190mg/l đối với Fe.

Nếu so sánh với các mức cho phép qui định trong tiêu chuẩn nước thủy sản thấy rằng hàm lượng của các thông số khảo sát đều thấp hơn trừ Zn và Fe. Không có sự khác biệt đáng kể về hàm lượng của các yếu tố khảo sát giữa vùng gần bờ và vùng biển khơi. Một hiện tượng đáng lưu ý là khu vực ngoài khơi gần Phú Quí có hàm lượng các kim loại nặng cao nhất trong mặt cắt. Ảnh hưởng của vật chất từ sông và xu thế phân tầng của các yếu tố khảo sát chỉ thể hiện khá rõ đối với trường hợp của silicate và Fe. Vào mùa khô (tháng 4/2006), hàm lượng của muối nitrite cao hơn nhưng hàm lượng của phosphate và silicate thấp hơn so với mùa mưa (tháng 9/2005). Vào các thời kỳ khảo sát, phosphate đóng vai trò là yếu tố dinh dưỡng giới hạn và vực nước không có dấu hiệu của hiện tượng thiếu silic.

 


ĐỘNG HỌC MUỐI DINH DƯỠNG

VỰC NƯỚC VEN BỜ NHA PHU - NHA TRANG

 Nguyễn Hữu Huân

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

 Động học muối dinh dưỡng vực nước ven bờ Nha Phu - Nha Trang được thể hiện thông qua kết quả phân tích nguồn dữ liệu thu thập được từ dự án HABVIET. Theo đó, các muối dinh dưỡng: Amôn, ni trát, phốt phát và silicat biến thiên mạnh theo không gian, thời gian và nằm trong tiêu chuẩn cho phép đối với nước nuôi trồng thủy sản và vực nước ven bờ. Trong khi biến thiên ngày đêm của amôn có xu hướng chịu ảnh hưởng của thủy triều thì biến thiên của ni trát và phốt phát chịu sự chi phối của cường độ quá trình quang hợp. Ni trít có mặt trong vực nước với hàm lượng thấp nhất, trong khi amôn hiện diện ở mức cao nhất trong số các muối dinh dưỡng nitơ vô cơ. Giá trị trung bình tỷ số [N]/[P] và [Si]/[P] chứng tỏ rằng, vực nước đang ở trong tình trạng thiếu hụt nitơ và dồi dào silic.

 


VIBRIOS VÀFECAL COLIFORM TẠI ĐẦM NHA PHU KHÁNH HÒA

Phạm Thị Miền, Lê Lan Hương, Lê Hoài Hương, Võ Hải Thi

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Vibrio là vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong thủy sản và việc dùng Vibrio để đánh giá chất lượng nước cung cấp cho nuôi thủy sản đang được thực hiện tại Việt Nam. Fecal coliform (FC) được dùng làm chỉ thị vi sinh vật để đánh giá nhiễm chất thải sinh hoạt trong nước, và là một trong những chỉ tiêu để đánh giá mức độ an toàn thực phẩm. Mật độ Vibrio và FC được phân tích theo phương pháp chuẩn. Trong nước, mật độ Vibrio (< 103 cfu/ml) và FC (< 103 cfu/100 ml) không vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với nguồn nước nuôi thủy sản. Tuy nhiên, vào mùa mưa năm 2004, mật độ trung bình Vibrio và FC trong trầm tích tương tự là 27,81 ± 25,52 cfu/g và 19,14 ± 12,50 cfu/g. Mật độ FC trong vẹm (Perna viridis) tại ba khu vực thí nghiệm đều lớn hơn 104cfu/g vẹm tươi. Tại thời điểm nghiên cứu, trầm tích đầm Nha Phu đã bị nhiễm bẩn do chất thải sinh hoạt, mật độ FC trong vẹm đã vượt quá chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với động vật hai mảnh vỏ đang áp dụng ở các nước Châu Âu và Mỹ.

 


MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ CÁC HOẠT CHẤT SINH HỌC

TỪ SINH VẬT BIỂN VIỆT NAM
Châu Văn Minh,  Phạm Quốc Long

Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, VAST

TÓM TẮT

Công cuộc tìm kiếm nguồn dược liệu biển đã và đang ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong những năm gần đây. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có 10% hợp chất mới trong tổng số hợp chất có nguồn gốc từ sinh vật biển được công bố, bao gồm rất nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học quý báu. Đa số các hợp chất mới được phát hiện từ các loài bọt biển và động vật ruột khoang, tiếp theo là các vi sinh vật biển. Trong các hoạt tính được thử nghiệm, hoạt tính chống ung thư và hoạt tính kháng sinh luôn chiếm tỷ lệ lớn. Thân mềm, da gai và bọt biển là những ngành động vật có tiềm năng vì chúng chứa rất nhiều hợp chất chống ung thư, kháng sinh tiềm tàng, chưa được phát hiện. Vì vậy, những nghiên cứu tìm kiếm, phát hiện các loại thuốc chống ung thư hiện đang được tập trung chủ yếu trên các đối tượng thân mềm, bọt biển và vi sinh vật. Bên cạnh đó, những nỗ lực tìm kiếm thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm cũng đang đạt được nhiều thành quả. Từ những nghiên cứu này, một số dược phẩm nguồn gốc từ biển đã được lưu hành trên thị trường như Ara-A, Ara-C, Pseudopterosin..., và một số khác đang bước vào những giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, hứa hẹn sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian gần nhất (ET-743, Manzamine A, Kahalalide F...). Tuy nhiên, ngành hoá học hợp chất thiên nhiên biển cũng có những khó khăn nhất định. Ví dụ như nguồn cung cấp các hợp chất biển là có hạn (những hợp chất biển thường chiếm khoảng 10-6 % hoặc ít hơn tổng trọng lượng mẫu có được), việc khai thác khối lượng lớn sẽ làm hủy hoại môi trường sinh thái. Phương pháp tổng hợp hoá học hay nuôi cấy các vi sinh vật có liên quan đến quá trình tạo nên chất đó có lẽ là những đường hướng chính trong tương lai nhằm giải quyết những vấn đề trên. Rõ ràng là thế giới đại dương đóng vai trò quan trọng đối với việc tìm kiếm, phát hiện và phát triển các sản phẩm hữu ích phục vụ cho cuộc sống con người.

Báo cáo này trình bày tóm tắt những kết quả nghiên cứu sàng lọc hóa học theo định hướng hoạt tính sinh học trên các đối tượng sinh vật biển (hải miên, san hô mềm và da gai) tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên trong thời gian gần đây.

 


CÁC SẢN PHẨM TỰ NHIÊN TỪ SINH VẬT BIỂN

Phạm Quốc Long1, Châu Văn Minh1 , Imbs A.B2

1 Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, VAST, Hà Nội -Việt Nam

2 Viện Sinh vật biển Zhirmunsky, FEB RAS; Vladivostok-LB Nga 

TÓM TẮT

Môi trường biển là nguồn rất phong phú cung cấp các hoạt chất thiên nhiên bao gồm nhiều chất không thể tìm thấy trên cạn. Từ các kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản về các hoạt chất tự nhiên có nguồn gốc sinh vật biển, chúng tôi đã tìm ra những công nghệ sinh học độc đáo, kết hợp một số kĩ thuật hiện đại tạo các sản phẩm tự nhiên nhằm chỉnh lí các quá trình sinh học ngay từ trong cơ thể sống. Các sản phẩm biển thực tế được sử dụng ngay trong dinh dưỡng hàng ngày như các thực phẩm bổ sung cho con người nhằm phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hàng loạt bệnh về viêm nhiễm, tim mạch, các bệnh ngoài da...

Qua hơn 10 năm nghiên cứu trên lĩnh vực hoạt chất sinh vật biển, Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên đã có hàng loạt các sản phẩm biển được đăng kí bằng phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, cũng như các bằng khen, giải thưởng quốc gia, huy chương vàng, bạc VIFOTECH và Bộ KHCN.

 


 MÔ TẢ CÁC LOÀI GIÁP XÁC (CRUSTACEA) MỚI PHÁT HIỆN Ở BIỂN VIỆT NAM QUA CHUYẾN THU MẪU TRÊN TÀU “VIỆN SĨ OPARIN”

Phạm Thị Dự, Đào Tấn Học

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Phân tích mẫu thu được trên tàu “Viện sĩ Oparin” ở vùng biển Việt Nam vào tháng 5-6/2007, đã xác định được 30 loài động vật Giáp xác (lớp Crustacea); trong đó có 10 loài mới phát hiện ở biển Việt Nam, đó là: Synalpheus streptodactylus, Heterocarpus parvispina, Puerulus angulatus, Dynomene pilumnoides, Latreillopsis tetraspinosa, Mursia hawaiiensis, Parilia tuberculata, Trigonoplax unguiformis, Actaea spinosissima, Demania garthi.

Báo cáo này giới thiệu thành phần loài Giáp xác thu được và mô tả các loài mới (có ảnh chụp).

 


 MÔ TẢ MỘT SỐ LOÀI ỐC KHÔNG VỎ

(BỘ NUDIBRANCHIA) GHI NHẬN LẦN ĐẦU Ở VIỆT NAM

Hứa Thái Tuyến

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Dựa trên kết quả khảo sát vào tháng 5/2008 ở 10 điểm rạn san hô thuộc vịnh Nha Trang, 9 loài ốc không vỏ (Bộ Nudibranchia) được xác định là ghi nhận lần đầu ở vùng biển Việt Nam. Các loài đó là Halgerda tessellata, Cadlinella ornatissima, Chromodoris mandapamensis, Chromodoris strigata, Glossodoris rufomarginata, Hypselodoris bullocki, Fryeria picta, Phyllidiella lizae Phyllodesmium magnum. Hình thái ngoài, nơi sống (habitat) và phân bố của các loài trên được giới thiệu. Hình ảnh của các loài cũng được cung cấp.

 


 THÀNH PHẦN, PHÂN BỐ ỐC KHÔNG VỎ (BỘ NUDIBRANCHIA) TRONG RẠN SAN HÔ VỊNH NHA TRANG

Hứa Thái Tuyến, Nguyễn Văn Long, Phan Kim Hoàng, Hoàng Xuân Bền, Nguyễn An Khang, Đào Tấn Học, Phan Thị Kim Hồng, Võ Sĩ Tuấn

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Một khảo sát về ốc không vỏ (Bộ Nudibranchia) đã được tiến hành bằng phương pháp lặn với thiết bị lặn SCUBA trên 10 vùng rạn san hô ở vịnh Nha Trang vào tháng 5 năm 2008. Phân tích mẫu vật đã cho phép xác định được 36 loài ốc không vỏ thuộc 20 giống, 8 họ thuộc hai bộ phụ Doridina và Aeolidina. 9 loài trong số chúng được ghi nhận lần đầu cho vùng biển Việt Nam. Họ Chromodorididae chiếm 44% tổng số loài. Mật độ ốc không vỏ trên các rạn san hô rất thấp, trung bình đạt 4,4 cá thể/ 400m2 và khác biệt không có ý nghĩa giữa các đới rạn.

 


GIUN NHIỀU TƠ (POLYCHAETA)

TRONG RẠN SAN HÔ Ở VỊNH NHA TRANG

Phan Thị Kim Hồng

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Báo cáo này được viết dựa trên kết quả nghiên cứu vào năm 2006 dưới sự hỗ trợ của hợp phần đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý vùng bờ và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam của quỹ phát triển, nghiên cứu và giáo dục Na Uy. Phân tích 3.786 cá thể trong 84 mẫu sinh vật đáy ở 6 rạn san hô đã xác định được 196 đơn vị phân loại thuộc 10 bộ, 38 họ và 129 giống. Kết quả cho thấy thành phần loài giun nhiều tơ tại vịnh Nha Trang đa dạng hơn so với một số vùng biển khác ở Việt Nam. Các họ Syllidae, Spionidae và Capitellidae có số lượng loài nhiều nhất (tương ứng là 23, 14 và 14 loài). Đã phát hiện được một loài mới cho khu hệ biển Việt Nam là loài Magelona falcigera Mortimer & Mackie, 2003. Sinh vật lượng trung bình của giun nhiều tơ đạt 451 con/m2 và 2,06 g/m2 và càng xa bờ sinh vật lượng càng giảm dần.

 


ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC LOẠI THỨC ĂN KHÁC NHAU LÊN SỰ SINH TRƯỞNG VÀ TỈ LỆ SỐNG CÁ GIỐNG, LOÀI NGỰA VẰN (Hippocampus comes, Cantor, 1885) Ở VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG VIỆT NAM

 1Trương Sĩ Kỳ, 1Hoàng Đức Lư, 2Phạm Vũ Lãng

1Viện Hải dương học (Nha Trang)

2Sinh viên cao học

TÓM TẮT

Nghiên cứu này xác định ảnh hưởng của Copepoda, Artemia giàu hóa hoặc không giàu hóa lên sự tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá ngựa giống (Hippocampus comes). Hầu hết cá ngựa ăn Artemia giàu hóa hoặc không giàu hóa đều chết trong tuần tuổi đầu tiên. Tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá ngựa ăn Copepoda rất cao, đạt tương ứng 44 – 47mm và 96%.

Những thí nghiệm này được lặp lại, nhưng với cá ngựa 10 ngày tuổi, nuôi với 3 loại thức ăn là Artemia giàu hóa bằng Selco và Copepoda giàu hóa và không giàu hóa bằng tảo Nanochloropsis sp. Sau 30 ngày, kích thước cá nuôi của các lô ăn Copepoda lớn hơn cá ăn Artemia giàu hóa. Không có sự khác biệt rõ ràng về kích thước của cá nuôi ở các lô thí nghiệm làm giàu hoặc không làm giàu Copepoda bằng tảo.

Kết quả nghiên cứu chứng tỏ rằng có thể sản xuất giống cá ngựa từ 10 ngày tuổi trở đi bằng Artemia giàu hóa bằng Selco, nhưng Copepoda là thức ăn thích hợp nhất đối với cá ngựa giống.

 


 SƠ BỘ NGHIÊN CỨU TRỨNG CÁ VÀ CÁ BỘT 

VÙNG BIỂN VỊNH ĐÀ NẴNG VÀ BÁN ĐẢO SƠN TRÀ

 Võ Văn Quang, Trần Thị Lê Vân, Nguyễn Hữu Phụng

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Kết quả nghiên cứu sơ bộ về trứng cá và cá bột ở vùng biển vịnh Đà Nẵng và xung quanh bán đảo Sơn Trà, vào thời kỳ gió mùa đông bắc (tháng 11 và 12 năm 2004) và gió mùa tây nam (tháng 6 năm 2005) cho thấy là tháng 6 có mật độ trung bình cao hơn 6 lần tháng 11&12 (tương ứng 952,00 trứng và 133,78 cá bột so với 138,17 trứng và 21,04 cá bột/100m). Mật độ trứng cá trung bình giữa ban ngày và ban đêm không có sự sai khác lớn. Tuy nhiên vào ban đêm trứng cá ở giai đoạn I có mật độ cao nhất, còn ban ngày thì mật độ trứng cá ở giai đoạn II và III cao hơn. Về phân bố, trứng cá và cá bột thể hiện sự phụ thuộc theo mùa khá rõ. Đã xác định được 1 bộ, 41 họ, 11 giống, 6 loài trứng cá và cá bột. Trong đó, thành phần trứng cá chủ yếu là trứng của cá Cơm sọc xanh (Encrasicholina punctifer), trứng cá Mó (Scariade), cá Trích (Clupeidae), cá Mối (Synodontidae). Đối với cá bột, thành phần khá đa dạng và chiếm ưu thế là họ cá Bống trắng (Gobiidae), giống cá Sơn biển (Ambassis), họ cá Đàn lia (Callionymidae), họ cá Liệt (Leiognathidae), giống cá Đục (Sillago)…

 


 KẾT QUẢ PHÂN TÍCH MẪU ĐỘNG VẬT DA GAI (ECHINODERMATA)

THU ĐƯỢC TRONG 2 CHUYẾN KHẢO SÁT TRÊN TÀU “VIỆN SĨ OPARIN”

 Đào Tấn Hỗ, Nguyễn Thị Mỹ Ngân, Nguyễn Thị Hồng Thắm

Viện Hải dương học (Nha Trang) 

TÓM TẮT

Qua 2 chuyến điều tra (tháng 01/2005 và 5-6/2007) trên tàu “Viện sĩ OPARIN” tại nhiều vùng biển khác nhau của Việt Nam. Chúng tôi đã xác định được 45 loài động vật da gai (ngành Echinodermata) trong bộ mẫu sinh vật biển. Trong số này có 12 loài lần đầu tiên phát hiện ở vùng biển Việt Nam, gồm: Diplocrinus alternicirrus, Saracrinus nobilis (Lớp huệ biển - CrinoideaH) ; Tethyaster aulophorus, Podosphaeraster polyplax, (Lớp sao biển - Asteroidea); Ophiacantha tenuispina, Ophiocamax rugosa, Ophiochiton fastigatus, Ophiopeza spinosa (Lớp đuôi rắn - Ophiuroidea); Psychocidaris ohshimai, Lovenia triforis, Heterobrissus niasicus, Platybrissus roemeri (Lớp cầu gai - Echinoidea).

Bài báo đã thống kê thành phần loài da gai xếp theo hệ thống phân loại. Ngoài ra, các loài mới phát hiện ở biển Việt Nam được giới thiệu với các đặc điểm về định loại (kèm hình ảnh), vùng phân bố trên thế giới và các thông tin về mẫu vật (ngày và nơi thu mẫu …).

 


 ĐA DẠNG SINH HỌC TẢO HAI ROI TRONG VÙNG RẠN SAN HÔ

Ở MỘT SỐ HẢI ĐẢO PHÍA NAM VIỆT NAM

Hồ Văn Thệ, Nguyễn Ngọc Lâm

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Với 79 loài đã được xác định, các loài tảo Hai Roi sống phù du có khả năng độc hại khá đa dạng về loài với 7 loài Alexandrium bao gồm A. affine, A. insuetum, A. kutnerae, A. pseudogonyaulax, A. tamarense, A. tamiyavanichi; 11 loài Dinophysis, trong đó có 5 loài có khả năng sản sinh độc tố là: D. caudata, D. cf. fortii, D. hastata, D. miles D. mitra; và một số loài tảo Hai Roi sống đáy như Ostreopsis cf. ovata, Prorocentrum concavum, P. emarginatum P. rhathymum. Chỉ số đa dạng về loài tảo Hai Roi cao nhất trong khu vực Cù Lao Chàm, giá trị trung bình là 1,8 và dao động từ 1,5 đến 2,2 cho khu vực khảo sát vào thời kỳ mùa gió tây nam. Các khu vực đảo khác vào các mùa khác nhau, chỉ số đa dạng thấp, thường dưới 1,5. Sinh vật lượng cao nhất ở Cù Lao Chàm vào thời kỳ mùa gió đông bắc gấp trên 10 lần so với các khu vực đảo khác. Không có sự khác nhau rõ rệt về sự phát triển và tính ổn định của quần xã theo sinh cảnh, ngược lại theo mùa khá rõ rệt. Có sự phát triển mạnh mẽ sinh vật lượng trong mùa gió đông bắc ở Cù Lao Chàm, có thể hình thành các loài ưu thế làm giảm thiểu tính đa dạng của khu vực.

 


 TẢO HAI ROI (DINOPHYTA) SỐNG ĐÁY VÙNG BIỂN

CÔN ĐẢO (BÀ RỊA – VŨNG TÀU)

Hồ Văn Thệ, Nguyễn Ngọc Lâm

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Tảo Hai Roi sống đáy có khả năng độc hại được thu thập trên các rong biển thuộc các chi: Hypnea, Laurencia Galaxaura (Rhodophyta); Padina, Dictyota, Hormophysa, Turbinaria, ColpomeniaSargassum (Phaeophyta); Halimeda  (Chlorophyta) và bốn loài cỏ biển Thalassia hemprichii, Halophila ovalis, Syringodium isoetifolium và Cymodocea serrulata trong mùa khô và mùa mưa ở vịnh Côn Sơn, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đã xác định được 14 loài tảo Hai Roi sống đáy: Gambierdiscus pacificus, G. toxicus, Ostreopsis ovata, O. siamensis, O. lenticularis, O. marinus, Coolia monotis, Prorocentrum lima, P. concavum, P. emarginatum, P. rhathymum, Prorocentrum sp., Bymastrum caponii và Sinophysis canaliculata. Các loài tảo thuộc ba chi Ostreopsis, Coolia Prorocentrum chiếm ưu thế về mật độ trong cả mùa khô và mùa mưa. Trong mùa khô, mật độ tảo Hai Roi sống đáy đạt cao nhất 3.900 tế bào.g-1FW trên rong nâu Sargassum, trong khi đó vào mùa mưa, mật độ cao nhất chỉ đạt 1.400 tế bào.g-1 FW cũng trên rong Sargassum. Loài tảo độc hại Gambierdiscus pacificus là nguyên nhân gây ngộ độc ciguatera (CFP) được phát hiện trên tất cả các vật bám. Mật độ của loài này đạt cao nhất 360 tế bào.g-1FW trên rong đỏ Hypnea vào mùa khô.

 


 THÀNH PHẦN LOÀI VÀ NGUỒN LỢI RONG BIỂN, CỎ BIỂN ĐẢO PHÚ QUÝ (CÙ LAO THU), BÌNH THUẬN

Nguyễn Hữu Đại, Phạm Hữu Trí, Nguyễn Xuân Vỵ

Viện Hải dương học (Nha Trang)

TÓM TẮT

Đảo Phú Quý còn được gọi là Cù Lao Thu thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm cách thành phố Phan Thiết 120 km về phía đông nam, có vị trí địa lý trong khoảng từ 10029’ đến 10033’ vĩ độ bắc và từ 108055’ đến 108058’ kinh độ đông. Với các chuyến điều tra vào tháng 4/2006 và 5/1995, 173 loài rong biển và 8 loài cỏ biển đã được thu thập và xác định, trong đó có 61 loài rong biển có giá trị sử dụng. Rong Câu và rong Mơ là các nhóm có sinh lượng lớn và có giá trị kinh tế cao với sản lượng hàng năm ước tính trên 1.000 tấn rong tươi. Cỏ biển và rong biển làm thành một thảm màu xanh chiếm hầu hết vùng biển nông quanh đảo. Diện tích phân bố khoảng trên 500 hecta. Loài ưu thế nhất là cỏ Vích (Thalassia hemprichii) sau đó là cỏ Kiệu Tròn (Cymodocea rotundata) với độ phủ có thể đạt 50-100%

You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Written By: Administrator Account
Date Posted: 12/7/2009
Number of Views: 14684

Return
Error An error has occurred.
Error: Unable to load the Article Details page.


    
 Liên kết Minimize
    
 Phản hồi Minimize





CAPTCHA image
Enter the code shown above in the box below
Cancel   Send
    
Copyright © 2012 - Oceanographic Data; GIS & Remote Sensing Application
  Search