Friday, March 29, 2024  
..:: Trang chủ » Xuất bản » Tuyển tập nghiên cứu biển ::..   Login
 Trang chủ Minimize
    
 Số lượt truy cập Minimize
    
 Người Online Minimize
People Online People Online:
Visitors Visitors: 139
Members Members: 0
Total Total: 139

Online Now Online Now:
    
 Tuyển tập nghiên cứu biển Minimize
Tuyển tập nghiên cứu biển - Tập XVIII (2012)

Năm xuất bản: 2012
Loại tài liệu: Tuyển tập nghiên cứu biển

 MỤC LỤC

 
1.
BÙI HỒNG LONG, NGUYỄN VĂN TUÂN, NGUYỄN CHÍ CÔNG. Đặc điểm trao đổi nước tại cửa sông Tắc- Nha Trang trong mùa mưa năm 2008. 7
2.
LÊ ĐÌNH MẦU, TRẦN THỊ THANH DUNG, NGUYỄN VĂN TUÂN, PHẠM SỸ HOÀN. Vài đặc điểm khí tượng, thủy động lực tại vùng biển Tuy An (Phú Yên). 16
3. PHẠM XUÂN DƯƠNG, NGUYỄN VĂN TUÂN. Tính toán một số đặc trưng thống kê của sóng do gió ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Định trong mùa gió đông bắc. 26
4. VŨ VĂN TÁC, PHAN QUẢNG, NGÔ MẠNH TIẾN, NGUYỄN HOÀNG THÁI KHANG. Dữ liệu hải dương học Biển Đông trong cơ sở dữ liệu biển thế giới 2009.   35
5. LÊ THỊ VINH, DƯƠNG TRỌNG KIỂM, NGUYỄN HỒNG THU, PHẠM HỮU TÂM, PHẠM HỒNG NGỌC, LÊ HÙNG PHÚ, VÕ TRẦN TUẤN LINH. Chất lượng môi trường nước đầm Đề Gi, tỉnh Bình Định. 46
6. PHẠM HỮU TÂM, LÊ THỊ VINH, DƯƠNG TRỌNG KIỂM, NGUYỄN HỒNG THU, PHẠM HỒNG NGỌC, LÊ HÙNG PHÚ. Chất lượng môi trường đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên năm 2009. 55
7. PHẠM XUÂN KỲ, ĐÀO VIỆT HÀ. Thành phần axít béo và Carotenoid tổng số của trứng một số loài cá biển Nha Trang. 70
8. PHAN MINH THỤ, NGUYỄN HỮU HUÂN, LÊ TRẦN DŨNG, LÊ TRỌNG DŨNG, VÕ HẢI THI, LÊ HOÀI HƯƠNG, HOÀNG TRUNG DU, TRẦN THỊ MINH HUỆ. Chỉ số đồng hóa của thực vật nổi ở Cửa Bé (Nha Trang). 79
9. Trương Sĩ KỲ, Hoàng ĐỨc Lư, HỒ ThỊ Hoa. Đặc điểm sinh trưởng của cá ngựa vằn (Hippocampus comes Cantor, 1850) in situ và ex situ ở vùng biển Khánh Hòa. 89
10. BÙI QUANG NGHỊ. Đặc điểm sinh trưởng của vẹm xanh Perna viridis (Linnaeus, 1758) trong khu vực nuôi tôm hùm lồng ở vùng Xuân Tự, Vạn Ninh, Khánh Hòa. 98
11. VÕ VĂN QUANG, TRẦN THỊ LÊ VÂN. Ảnh hưởng các yếu tố môi trường lên sự biến đổi theo mùa của trứng cá và cá bột trong đầm Đề Gi (tỉnh Bình Định). 108
12. LÊ THỊ THU THẢO, VÕ VĂN QUANG, NGUYỄN PHI UY VŨ. Danh sách các loài thuộc họ cá móm Gerreidae, cá lượng Nemipteridae và cá căng Terapontidae ở vùng biển Việt Nam. 119
  BÀI BÁO TỔNG QUAN VÀ THÔNG TIN 127
13. VÕ SĨ TUẤN. Cảnh báo về suy thoái rạn san hô và hệ lụy của nó ở vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi). 129
14. ĐẶNG TRẦN TÚ TRÂM. Kết hợp nuôi rong nho trong aquarium. 133

 

 


ĐẶC ĐIỂM TRAO ĐỔI NƯỚC TẠI CỬA SÔNG TẮC – NHA TRANG TRONG MÙA MƯA NĂM 2008
 Bùi Hồng Long, Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Chí Công
Viện Hải dương học
Tóm tắt
Dựa trên kết quả khảo sát và đo đạc vào mùa mưa năm 2008, đặc điểm trao đổi nước qua cửa sông Tắc được tính toán, phân tích và cho một số kết quả như sau:
Tại vùng cửa sông này sự lệch pha giữa thời điểm mực nước đạt cực trị với vận tốc dòng đạt cực đại và thời điểm đổi chiều của dòng diễn ra trễ hơn là 2-3 tiếng. Tổng thời gian nước chảy ra là 10 giờ 09 phút, thời gian nước chảy vào là 13 giờ 51 phút.
Mặc dù vào mùa mưa nhưng do đặc điểm lưu vực sông khá nhỏ nên sự trao đổi nước tại mặt cắt trong thời gian khảo sát chủ yếu là do triều, lượng nước sông chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng lượng nước chảy ra trên toàn mặt cắt khảo sát.
Vùng cửa sông Tắc nhỏ và nông (độ sâu trung bình là 3 m) lượng tàu thuyền qua lại khá cao (ở đây có các bến cá, xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền,...). Diện tích mặt cắt ướt biến thiên theo thời gian rất lớn (tới 48%). Chính vì vậy, công tác duy tu nạo vét luồng lạch và cắm biển chỉ dẫn giao thông là rất cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy tại khu vực này. 

 


VÀI ĐẶC ĐIỂM KHÍ TƯỢNG, THỦY ĐỘNG LỰC TẠI VÙNG BIỂN TUY AN (PHÚ YÊN)
 Lê Đình Mầu1, Trần Thị Thanh Dung2, Nguyễn Văn Tuân1, Phạm Sỹ Hoàn1
1Viện Hải dương học
2Đại học KHTN, Tp. Hồ Chí Minh
Tóm tắt Bài báo trình bày kết quả thống kê các đặc trưng gió, bão và tính toán các đặc trưng sóng ven bờ ứng với các đợt gió mùa điển hình tại vùng biển Tuy An, Phú Yên. Các đặc trưng sóng vùng khơi được tính bằng mô hình Dolphin. Các đặc trưng sóng vùng ven bờ được tính bằng mô hình RCPWAVE. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, chế độ gió tại vùng nghiên cứu có  đặc trưng gió mùa nhiệt đới và gió đất - biển (breeze). Thời gian hoạt động của gió mùa đông bắc (NE) từ tháng X đến tháng IV năm sau (mạnh nhất vào tháng XI và XII), gió mùa tây nam (SW) từ tháng V đến tháng IX (mạnh nhất vào tháng VII, VIII). Thời gian tồn tại, độ ổn định, cường độ của gió mùa NE lớn hơn gió mùa SW. Từ 1945 đến 2010 vùng biển nghiên cứu có 31 cơn bão hoạt động (riêng tháng XI có 18 cơn ≈ 58%). Với trường gió NE (cấp 6, V = 12 m/s) cửa An Hải là khu vực hội tụ năng lượng sóng với     độ cao sóng hữu hiệu H≈ 2 m. Ngược lại, với trường gió SE (cấp 6, V = 12 m/s) cửa An Hải rơi vào khu vực khuất sóng của đảo Mái Nhà với H≈ 0,5 m. Vùng biển Tuy An bị tác động mạnh nhất bởi các quá trình khí tượng, thủy động lực biển vào thời kỳ gió mùa NE.

TÍNH TOÁN MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG THỐNG KÊ CỦA SÓNG DO GIÓ Ở VÙNG BIỂN NGOÀI KHƠI TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG MÙA GIÓ ĐÔNG BẮC
Phạm Xuân Dương, Nguyễn Văn Tuân
Viện Hải dương học
Tóm tắt

Bài báo trình bày kết quả tính toán về các đặc trưng sóng từ gió của vùng biển ngoài khơi Bình Định trong các tháng có gió mùa đông bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), theo số liệu đo gió 21 năm (từ 1990 – 2010) tại trạm khí tượng Bình Định. Kết quả tính toán cho thấy: trong các tháng có gió mùa đông bắc, sóng theo các hướng SSE, S, SSW, SW, W có tần suất xuất hiện rất thấp, ngược lại sóng theo các hướng N và NE chiếm ưu thế, với tần suất cao từ 8,3 - 24,3% trong tháng.

Qua số liệu tính sóng từ gió, cho phép tính toán được độ cao sóng cực đại xảy ra trong các hoàn kỳ 5 năm, 10 năm, 20 năm, 50 năm và 100 năm vào các tháng có gió mùa đông bắc. Trong các tháng đó, tháng 11 là tháng có độ cao sóng lớn nhất xuất hiện theo hướng đông bắc với hoàn kỳ 5 năm là 9,5 m; 100 năm là 11,5 m.

DỮ LIỆU HẢI DƯƠNG HỌC BIỂN ĐÔNG TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU BIỂN THẾ GIỚI 2009
 Vũ Văn Tác, Phan Quảng, Ngô Mạnh Tiến, Nguyễn Hoàng Thái Khang
Viện Hải dương học 
Tóm tắt Bài báo trình bày những thông tin tổng quan về dữ liệu hải dương học vùng Biển Đông trong cơ sở dữ liệu biển thế giới. Số lượng các trạm khảo sát, số số liệu quan trắc của tất cả các yếu tố hải dương hiện có được mô tả bằng bản đồ và biểu đồ nhằm giúp cho độc giả một cái nhìn trực quan về nguồn dữ liệu Biển Đông trong cơ sở dữ liệu biển thế giới. Những thông tin này được trích từ báo cáo tổng kết của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở CS2011.11, do phòng Dữ liệu biển thực hiện năm 2011.

CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC ĐẦM ĐỀ GI, TỈNH BÌNH ĐỊNH
 Lê Thị Vinh, Dương Trọng Kiểm, Nguyễn Hồng Thu, Phạm Hữu Tâm,
Phạm Hồng Ngọc, Lê Hùng Phú, Võ Trần Tuấn Linh
Viện Hải dương học
Tóm tắt

Bài báo trình bày kết quả khảo sát chất lượng môi trường nước đầm Đề Gi vào tháng 10/2009 (mùa mưa) và tháng 04/2010 (mùa khô). Kết quả phân tích cho thấy nồng độ ôxy hòa tan tương đối cao (lớn hơn 5,5 mg/l). Nồng độ vật lơ lửng (từ 24,2 mg/l đến 75,1 mg/l), nitrate (từ 32 µgN/l đến 281 µgN/l), phosphate (từ 6,5 µgP/l đến 35,2 µgP/l), mật độ coliform (từ 0 đến 11.000 MPN/100ml) biến động trong phạm vi rộng và đôi khi cao hơn các giá trị giới hạn (GTGH) đối với nước nuôi trồng thủy sản vào mùa mưa trong khu vực đỉnh đầm và cửa sông. Nồng độ các kim loại nặng (Zn từ 9,2 đến 15,2 µg/l, Cu từ 1,1 µg/l đến 5,5 µg/l, Pb từ 0,1 µg/l đến 3,1 µg/l) luôn thấp hơn các GTGH trong khi Fe (từ 76 µg/l đến 1.850 µg/l) và hydrocarbon    (405 µg/l đến 705 µg/l) có nồng độ cao hơn các GTGH trong cả 2 mùa. Thuốc bảo vệ thực vật họ Clo hữu cơ vào mùa mưa có nồng độ thấp hơn các GTGH trong khi họ Photpho (Paration và Malation) có nồng độ cao hơn vào mùa khô.

Nhìn chung, chất lượng nước đầm (muối dinh dưỡng và coliform) vào mùa khô tốt hơn so với mùa mưa. Nồng độ của tất cả các muối dinh dưỡng và đặc biệt là mật độ coliform vào mùa khô thấp hơn so với mùa mưa trong khi độ muối và giá trị COD có xu thế ngược lại. Không có sự khác biệt rõ ràng về giá trị của các thông số cơ bản (pH, vật lơ lửng, DO, BOD5), kim loại nặng (Zn, Cu, Pb, Fe) và hydrocarbon giữa 2 mùa.
 

CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG ĐẦM Ô LOAN, TỈNH PHÚ YÊN NĂM 2009
Phạm Hữu Tâm, Lê Thị Vinh, Dương Trọng Kiểm,
Nguyễn Hồng Thu, Phạm Hồng Ngọc, Lê Hùng Phú
Viện Hải dương học
Tóm tắt
Do đặc thù địa lý của đầm Ô Loan, nên vào mùa khô hầu như nước ít trao đổi với bên ngoài. Chất lượng môi trường nước của đầm bị ô nhiễm trong mùa khô do có sự thiếu hụt ôxy hòa tan tại các trạm tiếp giáp với các cửa sông (3,56 mg/l tại trạm 3). Hầu hết giá trị của các thông số môi trường đều nằm ngoài giá trị giới hạn (GTGH); hàm lượng của muối dinh dưỡng, chất hữu cơ cao ở các trạm thuộc khu vực phía nam và phía tây-bắc của đầm, giá trị cao nhất của nitrate (177 mg/l); ammonia (148 mg/l) và N hữu cơ (1.498 mg/l) tại trạm 3.
Tuy nhiên vào mùa mưa, do khả năng trao đổi nước với bên ngoài tốt hơn nên làm cho chất lượng môi trường nước của đầm được cải thiện rõ rệt; không còn hiện tượng thiếu ôxy hòa tan cục bộ trong khu vực đầm; hầu hết giá trị của các thông số môi trường được khảo sát như: nhiệt độ, vật lơ lửng, một số muối dinh dưỡng, N hữu cơ, P hữu cơ đều thấp hơn so với mùa khô và luôn nằm trong GTGH được quy định trong các tiêu chuẩn nước thủy sản hiện hành.
Vùng đầm Ô Loan được bao phủ chủ yếu bởi các trầm tích hạt mịn; tỷ lệ trung bình cấp hạt bùn-sét (<0,062 mm) lên đến 78,21%. Carbon hữu cơ, N hữu cơ và P tổng số có hàm lượng tương đối cao, tập trung chủ yếu ở các trạm phía nam của đầm.

THÀNH PHẦN A XÍT BÉO VÀ CAROTENOID TỔNG SỐ CỦA TRỨNG MỘT SỐ LOÀI CÁ BIỂN NHA TRANG
 Phạm Xuân Kỳ, Đào Việt Hà
Viện Hải dương học
Tóm tắt Hàm lượng lipít và carotenoid tổng số, thành phần và hàm lượng các axít béo ở trứng thành thục của 05 loài cá biển gồm cá ngừ chù Auxis thazard thazard (Lacepède, 1800), cá nục thuôn Decapterus macrosoma (Bleeker, 1851), cá sòng Nhật Bản Trachurus japonicus (Temminck & Schlegel, 1844), cá nóc chấm cam Torquigener gloerfelti và cá nhồng đuôi vàng Sphyraena obtusata (Cuvier, 1829) ở vùng biển Nha Trang đã được phân tích. Các kết quả cho thấy hàm lượng lipít (% trọng lượng tươi) dao động từ 2,54% (trứng cá ngừ) đến 9,3% (trứng cá nhồng). Trứng của các loài nghiên cứu có hàm lượng cao (% tổng các axít) các axít béo không no (65,1 - 74,55%). Trong các axít béo không no một nối đôi, 18:1 chiếm ưu thế về hàm lượng (1,1 - 15,0%). Tổng hàm lượng các axít béo không no nhiều nối đôi chiếm 41,68 - 68,91% với sự ưu thế của nhóm n-3 (37,8 - 49,82%) so với nhóm n-6 (12,1 - 31,1%) ở tất cả các mẫu trứng nghiên cứu. Trong nhóm n-3, hàm lượng 20:5n-3 cao (11,53 -20,46%) và hàm lượng của 22:6n-3 là đáng kể (6,81 - 10,04%). Đối với nhóm n-6, 18:2n-6 có hàm lượng khá cao ở trứng các loài (10,05 - 20,01%). Ngoài ra, hàm lượng carotenoid tổng số có giá trị từ 2,89 μg/g (trứng cá ngừ) đến 10,05 μg/g (trứng cá nhồng) trọng lượng tươi.
 

CHỈ SỐ ĐỒNG HÓA CỦA THỰC VẬT NỔI Ở CỬA BÉ (NHA TRANG)
Phan Minh Thụ, Nguyễn Hữu Huân, Lê Trần Dũng, Lê Trọng Dũng
Võ Hải Thi, Lê Hoài Hương, Hoàng Trung Du,Trần Thị Minh Huệ
Viện Hải dương học
Tóm tắt Bài báo nghiên cứu biến động của PBmax (cường độ quang hợp cực đại) và α (chỉ số đồng hóa của Chlorophyll-a) ở vực nước Cửa Bé. Kết quả 6 lần thí nghiệm mối quan hệ giữa quang hợp và cường độ ánh sáng từ tháng 06 đến tháng 11/2011, cho thấy PBmaxdao động từ 4,66 đến  41,95 mgC (mgChl-a)-1 h-1 và a dao động từ 0,016 đến 0,484 mgC (mgChl-a)-1h-1 (µE m-2s-1)-1. Trong thời gian nghiên cứu, giá trị PBmax trung bình là 38,61 mgC (mgChl-a)-1h-1 và α trung bình là 0,111 mgC (mgChl-a)-1h-1 (µE m-2s-1)-1. Không có sự khác biệt lớn của PBmax trong khoảng thời gian nghiên cứu, nhưng α mùa khô cao hơn mùa mưa. Vực nước Cửa Bé xếp vào loại tự dưỡng.
 

ĐẶC ĐIỂM SINH TRƯỞNG CỦA CÁ NGỰA VẰN (Hippocampus comes  Cantor, 1850) IN SITU VÀ EX SITU Ở VÙNG BIỂN KHÁNH  HÒA
 Trương Sĩ Kỳ, Hoàng Đức Lư, Hồ Thị Hoa
Viện Hải dương học
Tóm tắt

Mẫu nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng được thu thập từ tháng 04 năm 2008 đến tháng 11 năm 2008 ở vùng biển Khánh Hòa bằng lưới giã cào và lặn, tổng số mẫu phân tích là 583 mẫu. Kích thước cá khai thác dao động từ 65 mm - 160 mm, tập trung chủ yếu vào nhóm kích thước 110 mm - 140 mm. Tương quan chiều cao khối lượng cá có dạng hàm mũ W = 0,00000224 H3,102. Đây là loài cá không đồng sinh trưởng, có hệ số b > 3. Tính phương trình sinh trưởng von Bertalanffy theo tần số kích thước cá khai thác  cho kết quả  H∞ = 165,9 mm,  k = 0,78.

Cá ngựa vằn mới đẻ có chiều cao dao động từ 7 - 9 mm, trong tháng nuôi đầu tiên cá đạt kích thước 42 - 45 mm. Cá giống 1 tháng tuổi, sau 3 tháng 13 ngày nuôi đạt kích thước 90 - 92 mm, so với cá tự nhiên 6 tháng tuổi (lý thuyết) đạt 105,24 mm. Như vậy,  không có sự khác biệt lớn về chiều cao của cá nuôi và cá tự nhiên 

ĐẶC ĐIỂM SINH TRƯỞNG CỦA VẸM XANH Perna viridis (Linnaeus, 1758) TRONG KHU VỰC NUÔI TÔM HÙM LỒNG Ở VÙNG XUÂN TỰ, VẠN NINH, KHÁNH HÒA
 Bùi Quang Nghị
Viện Hải dương học
Tóm tắt Kết quả thu thập và phân tích 984 cá thể vẹm xanh (Perna viridis) từ tháng 05 năm 2003 đến tháng 03 năm 2004 cho thấy vẹm xanh tăng trưởng chiều dài vỏ (L, mm) với tốc độ trung bình là 4,60 mm/tháng. Vẹm đạt kích thước cực đại ở Lµ = 122,80 mm với hệ số K = 0,94. Tăng trưởng khối lượng toàn thân (Wtt, g) trung bình của vẹm xanh nuôi thử nghiệm là 2,85 g/tháng. Vẹm càng dài thì khối lượng càng lớn, ở nhóm kích thước 90 - 110 mm trở lên có tốc độ tăng trưởng khối lượng cao nhất. Tăng trưởng khối lượng phần mềm (Wm) trung bình của vẹm xanh nuôi thử nghiệm là 1,1 g/tháng.
 

ẢNH HƯỞNG CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG LÊN SỰ BIẾN ĐỔI THEO MÙA CỦA TRỨNG CÁ VÀ CÁ BỘT TRONG ĐẦM ĐỀ GI (TỈNH BÌNH ĐỊNH)
 Võ Văn Quang, Trần Thị Lê Vân
Viện Hải dương học
Tóm tắt Bài báo trình bày về thành phần trứng cá và cá bột trong đầm Đề Gi (Bình Định) vào tháng 10/2009, tháng 04/2010 và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến sự biến đổi của chúng theo mùa. Trứng cá và cá bột vào tháng 04/2010 đa dạng và phong phú hơn tháng 10/2009, cá bột xuất hiện trong đầm nhiều hơn, trong đó có cá bột nhiều loại kinh tế như cá cơm, cá đục, cá căng, cá lượng, cá đù, cá khế, cá nhụ, cá mú, cá hồng, cá cháo... Phân tích định vị CCA (Canonical Correspondence Analysis) để xem xét mối tương quan giữa cá bột với 4 yếu tố môi trường nhiệt độ (T), độ mặn (S), pH và oxy hòa tan (DO) ở tầng mặt, cho thấy tính mùa vụ và các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến sự tập trung và đa dạng của cá bột. Các yếu tố nhiệt độ (T), và pH tác động lên cá bột cả tháng 10/2009 và tháng 04/2010, trong khi DO ảnh hưởng vào tháng 10/2009 hoàn toàn ngược lại với độ mặn (S) là vào tháng 04/2010.

DANH SÁCH CÁC LOÀI THUỘC HỌ CÁ MÓM GERREIDAE, CÁ LƯỢNG NEMIPTERIDAE VÀ CÁ CĂNG TERAPONTIDAE Ở VÙNG BIỂN VIỆT NAM
 Lê Thị Thu Thảo, Võ Văn Quang, Nguyễn Phi Uy Vũ
Viện Hải dương học
Tóm tắt

28 tài liệu của các tác giả công bố về thành phần loài cá từ năm 1978 - 2010 ở các vùng sinh thái khác nhau thuộc vùng biển Việt Nam đã ghi nhận 67 loài thuộc 12 giống của 3 họ cá Móm Gerreidae, cá Lượng Nemipteridae và cá Căng Terapontidae. Sau khi nghiên cứu, tu chỉnh và cập nhật đã xác định danh mục thành phần của 3 họ cá nêu trên thực có ở vùng biển Việt Nam là 50 loài thuộc 10 giống (trong đó họ cá Móm: 11 loài, 2 giống; họ cá Lượng: 31 loài, 4 giống; họ cá Căng: 8 loài, 4 giống).

Kết quả của báo cáo cho thấy tình trạng sử dụng tên khoa học chưa thật chính xác, việc tham khảo các nguồn tài liệu khác nhau chưa chú ý các synonym của chúng. Vì vậy, danh mục loài cá biển Việt Nam cần phải được rà soát, kiểm tra, đồng thời liên tục được cập nhật lại tên khoa học có giá trị để có được danh mục thành phần loài ngày một chính xác và đầy đủ làm cơ sở trong nghiên cứu đánh giá đa dạng sinh học và bảo tồn cá biển.

 CẢNH BÁO VỀ SUY THOÁI RẠN SAN HÔ VÀ HỆ LỤY CỦA NÓ Ở VÙNG BIỂN LÝ SƠN (QUẢNG NGÃI)
 Võ Sĩ Tuấn
Viện Hải dương học
 

KẾT HỢP NUÔI RONG NHO TRONG AQUARIUM
 Đặng Trần Tú Trâm
Viện Hải dương học

 
 

 

You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Written By: Administrator Account
Date Posted: 10/9/2012
Number of Views: 8664

Return
Error An error has occurred.
Error: Unable to load the Article Details page.


    
 Liên kết Minimize
    
 Phản hồi Minimize





CAPTCHA image
Enter the code shown above in the box below
Cancel   Send
    
Copyright © 2012 - Oceanographic Data; GIS & Remote Sensing Application
  Search