25 Tháng Tư 2024  
..:: Trang chủ » Tin tức ::..   Đăng nhập
 Chi tiết
Nghiên cứu tính liên kết giữa các hệ sinh thái của một số nguồn lợi cá quan trọng phục vụ khai thác bền vững ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

Nghiên cứu mối liên kết nguồn lợi giữa các hệ sinh thái thông qua việc đánh giá khu vực phân bố và đặc điểm di truyền quần thể các nhóm nguồn lợi sinh vật biển phục vụ cho việc xác định phạm vi, quy hoạch và phân vùng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và quản lý tài nguyên đối với hệ thống các khu bảo tồn biển (KBTB) hoặc các khu bảo vệ đã được tiến hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả của nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong vòng đời một số đối tượng nguồn lợi cá rạn sử dụng rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở vùng cửa sông như là nơi định cư, phát triển và tìm kiếm thức ăn trong giai đoạn còn non trước khi di chuyển và sống trên rạn san hô ở giai đoạn trưởng thành. Những phát hiện này cung cấp cơ sở khoa học góp phần nâng cao hiệu quản lý tài nguyên ở các KBTB trên thế giới.

anh 1
Rừng dừa nước ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn 

Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KSQ) Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận từ năm 2009 có tổng diện tích khoảng 45.297 ha. Một số kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy có sự khác biệt về mặt phân bố giữa con giống (juveniles) một số loài cá rạn có giá trị cao (Cá Hồng bạc, Cá Mú đen chấm nâu/Cá Mú mè, Cá Mú ma-la/Cá Mú điểm gai và Cá Dìa công/Cá Dìa bông) xuất hiện trong khu vực hạ lưu sông Thu Bồn nơi có sự hiện diện của các rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, trong khi đó nguồn lợi thương phẩm lại được ghi nhận trên các rạn san hô ở Cù Lao Chàm. Vì vậy, rất có thể quần thể đàn cá trưởng thành của các loài cá này trên các rạn san hô ở KBTB Cù Lao Chàm có thể được xem là nguồn bố mẹ (brood stocks) cùng quần thể và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quá trình bổ sung nguồn lợi con giống được khai thác trong rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn.

anh 2
Cá Hồng bạc giống khai thác ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn

anh 3
Cá Hồng bạc giống trên rạn san hô ở Cù Lao Chàm

Do đó, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu tính liên kết giữa các hệ sinh thái của một số nguồn lợi cá quan trọng phục vụ khai thác bền vững ở Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”, mã số VAST06.02/17-18 thông qua sử dụng các phương pháp đánh giá chuyên sâu về các đặc trưng sinh học và sinh thái cơ bản kết hợp với kỹ thuật phân tích di truyền quần thể (DNA) sẽ góp phần cung cấp những dẫn liệu mới và nâng cao hiểu biết sâu hơn về hiện trạng nguồn lợi, các đặc trưng cũng như tính liên kết nguồn lợi giữa các hệ sinh thái làm cơ sở khoa học cho việc khai thác hợp lý, xác định phạm vi, điều chỉnh quy hoạch và phân vùng chức năng phù hợp và chính xác hơn. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên không chỉ ở KSQ Cù Lao Chàm – Hội An mà còn có giá trị tham khảo cho các KBTB khác trong hệ thống KBTB Việt Nam được phê duyệt trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được chủ yếu của đề tài như sau:

- Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về mối liên kết giữa nguồn lợi và các hệ sinh thái hệ sinh thái nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên ở Việt Nam;

- Xác định được khu vực thảm cỏ biển Gò Hí-Cồn Sóng và rừng dừa Cẩm Thanh là nơi tập trung chính nguồn giống của Cá Hồng bạc (Lutjanus argentimaculatus), Cá Mú mè (Epinephelus coioides), Cá Mú điểm gai (Epinephelus malabaricus) và Cá Dìa công (Siganus guttatus), còn nguồn lợi thương phẩm lại tập trung tại Tây Bắc và Tây Hòn Lao, Hòn Mồ, Hòn Tai và Rạn Mành. Mùa vụ xuất hiện con giống Cá Hồng bạc, Cá Dìa công và Cá Mú mè ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn diễn ra quanh năm, còn Cá Mú điểm gai từ tháng 1 – 5;

- Kích thước con giống có xu hướng tăng dần từ cửa sông lên thượng nguồn và thấp vào các tháng 5 – 9 tùy theo loài, vì vậy có thể nhận định rằng mùa vụ bổ sung nguồn giống của các loài cá nói trên ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn chủ yếu diễn ra từ tháng 5 – 9 và chủ yếu tập trung ở khu vực gần cửa sông (Cẩm Thanh);

- Con giống thu thập ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn và nguồn lợi thương phẩm/trưởng thành ở Cù Lao Chàm của 2 loài Cá Hồng bạc và Cá Dìa công đều cùng quần thể;

- Các khu vực Rạn Mành, Hòn Mồ, Hòn Tai và Tây Bắc Hòn Lao (Bãi Đâu Tai-Bãi Bấc) ở Cù Lao Chàm có mật độ và trữ lượng nguồn lợi thương phẩm cao nhất và đây là những khu vực đóng vai trò quan trọng trong trong việc phát tán và duy trì nguồn giống cho vùng hạ lưu sông Thu Bồn nói riêng và những vùng lân cận khác nói chung.

- Đề xuất điều chỉnh phân vùng quản lý nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ở KSQ Cù Lao Chàm - Hội An. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài góp phần làm căn cứ đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt đề tài KC.09.41/16-20 thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho việc thiết lập mô hình thí điểm quản lý tài nguyên dựa trên mối liên kết nguồn lợi giữa các hệ sinh thái ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trong khuôn khổ của đề tài cấp Nhà nước nói trên.

- Đề tài đã công bố 01 bài báo trên tạp chí ISI và 04 bài báo trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị trong nước:

  • Nguyen VL, Dao TH, Mai XD, Do TCT and Nguyen TH, 2020. Spatial and seasonal distribution of recruitment and population connectivity of Lutjanus argentimaculatus among marine habitats in the World Biosphere Reserve of Cu Lao Cham-Hoi An. Russian Journal of Marine Biology, 46(3): 188-198;
  • Nguyễn Văn Long và Mai Xuân Đạt, 2018. Hiện trạng khai thác nguồn lợi thủy hải sản ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 18(4A): 115-128; 
  • Nguyễn Văn Long và Tống Phước Hoàng Sơn, 2019. Diễn thế các hệ sinh thái quan trọng ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Tuyển tập báo cáo kỷ niệm 10 bảo tồn và phát triển (2009-2019) của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An: 88-91; 
  • Nguyễn Văn Long và Lê Ngọc Thảo, 2019. Bảo tồn các sinh cư ở vùng cửa sông Thu Bồn: Giải pháp quan trọng cho việc duy trì đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An. Tuyển tập báo cáo khoa học diễn đàn khoa học toàn quốc 2019 - Sinh học biển và phát triển bền vững: 299-309; 
  • Nguyễn Văn Long và Mai Xuân Đạt, 2020. Ðặc trưng nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 20(1): 105–120).

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đánh giá đạt loại xuất sắc vào ngày 14/8/2020.

Nguồn tin: TS. Nguyễn Văn Long – Viện Hải dương học.
Xử lý tin: Phương Hà
Tin gốc tại đây.

You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Người đăng: Ngô Mạnh Tiến
Ngày đăng: 02/11/2020
Số lượt người xem: 2192

Quay Về
Lỗi Có lỗi xảy ra.
Error: Unable to load the Article Details page.

  
Copyright © 2012 - Trung tâm Dữ liệu và GIS - Viễn thám
  Tìm Kiếm