Dự án RSH Ninh Hải là một trong những dự án điểm trình diễn trong khuôn khổ Dự án UNEP/GEF có tên “Ngăn ngừa xu thế suy thoái môi trường ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan”.
Dự án RSH Ninh Hải có tên đầy đủ là “Trình diễn quản lý bền vững tài nguyên rạn san hô ở vùng biển ven bờ huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam” được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ cùng với sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Dự án được quản lý bởi Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP)_cơ quan thực hiện của GEF.
Về phía Việt Nam, cơ quan chủ quản dự án là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và cơ quan thực hiện dự án là Viện Hải dương học.
Dự án được thực hiện tại huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, từ tháng 7/2010 - 5/2013.
Tổng chi phí của Dự án là 935.186 USD trong đó 406.900 USD cung cấp bởi GEF, phần còn lại là khoản đồng tài trợ của Chính phủ Việt Nam.
Mục đích chung
Dự án làm giảm sức ép môi trường lên vùng nước xuyên biên giới thuộc Biển Đông và Vịnh Thái Lan, thông qua việc hoàn chỉnh Chương trình Hành động Chiến lược và thực hiện một loạt các hoạt động trình diễn tại các điểm có ý nghĩa khu vực và toàn cầu.
Mục tiêu chính
Dự án trình diễn quản lý tổng hợp các RSH và thảm cỏ biển có ý nghĩa khu vực liên thông với Biển Đông để chống lại sự suy thoái hệ sinh thái bảo tồn mức độ đa dạng sinh học cao và sử dụng bền vững tài nguyên RSH vùng bờ Ninh Hải.
Hợp phần của Dự án
Dự án gồm có 3 hợp phần:
1. Hợp phần 1: Nâng cao quản lý vùng bằng phương pháp quản lý liên ngành và đồng quản lý.
2. Hợp phần 2: Các dự án thí điểm về các lựa chọn tạo nguồn thu bền vững.
3. Hợp phần 3: Xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức.
Kết quả chủ yếu của dự án bao gồm:
1. Kết quả 1: Quản lý vùng được cải thiện nhờ phương pháp quản lý liên ngành và đồng quản lý.
2. Kết quả 2: Giảm được sức ép có nguồn gốc từ sinh kế không bền vững lên hệ sinh thái RSH.
3. Kết quả 3: Kiến thức và kỹ năng quản lý hệ sinh thái RSH được nâng cao.