16 Tháng Chín 2024  
..:: Giới thiệu về dòng rip ::..   Đăng nhập
 Dòng Rip Đóng
    
 Số lượt truy cập Đóng
    
 Người Online Đóng
Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 20184
Thành Viên Thành Viên: 1
Tổng Số Tổng Cộng: 20185

Đang Online Đang Online:
01: nghhuan
    
 Giới thiệu kiến thức về dòng rip Đóng

PHỔ BIẾN CÁC KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ CÁCH NHẬN DẠNG VÀ PHÒNG TRÁNH DÒNG RIP (RIP CURRENT) TẠI CÁC BÃI TẮM BIỂN VIỆT NAM

TS. Nguyễn Bá Xuân, viện HDH Nha Trang

1. Những hiểu biết chung về dòng Rip:

- Dòng Rip không phải là một hiện tượng thiên nhiên bí ẩn, mà thực chất đó là một bộ phận đặc biệt của hệ dòng chảy tổng cộng xảy ra ở khu cực gần bờ trong vùng sóng đổ.
- Ở Việt Nam, vì chưa được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi, nên dòng Rip được nhân dân các địa phương khác nhau gọi là: dòng chảy xoáy, ao xoáy, vũng nước xoáy, dòng chảy xoáy đứt đoạn, dòng rút, dòng nước lừa, ống hút, lò hút v.v…thậm chí trong giới khoa học biển Việt Nam cũng chưa thống nhất được tên gọi khoa học của dòng Rip. Chính vì vậy, chúng tôi tạm giữ nguyên ở đây tên gọi tiếng Anh là dòng Rip hay là Rip Current (theo tự điển Việt-Anh, “Rip”có nghĩa là:vết xé toạc, vết cắt không đều tơi tả, chỗ rạch thủng; chỗ nước xoáy trên sông biển...)
- Thêm nữa cũng cần tranh luận thêm để làm sáng tỏ thuật ngữ khoa học của dòng Rip: thực vậy, trong một số bài viết trên một số tờ báo điện tử gần đây ở Việt Nam, một số tác giả đã gọi tiếng dòng Rip bằng thuật ngữ “dòng chảy xa bờ”. Theo chúng tôi, đây là cách gọi không không hoàn toàn phù hợp với bản chất vật lý của dòng Rip. Với cách gọi này, chúng ta có thể hiểu đây là dòng chảy được hình thành ở những vùng xa bờ, trong khi đó dòng Rip là một bộ phận đặc biệt của hệ dòng chảy tổng cộng có nguồn gốc hình thành ở trong vùng sóng đổ gần bờ, điều này hoàn toàn khác hẳn với khái niệm “dòng chảy xa bờ”.
- Dòng Rip được định nghĩa theo nghĩa rộng, đó là một luồng nước mạnh chảy theo hướng vuông từ bờ ra biển, tuy với kích thước rất nhỏ, nhưng tốc độ có thể đạt cực đại tới 2 m/s. Với vận tốc này, trong khoảng thời gian 1 phút, dòng Rip có thể cuốn trôi người tắm biền ra ra khoảng 120 m. Khi đó, hầu như không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Do có kích thước của dạng hoàn lưu “tế bào”, nên dòng Rip rất nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết. Dòng Rip có bề rộng dọc bờ từ 3-30m và chiều dài ra biển từ 100-150m. Dòng Rip có cấu trúc thẳng đứng rất phức tạp, nó được hình thành do sự kết hợp của các thành phần dòng nằm ngang và thành phần dòng thẳng đứng, do đó bản chất của dòng Rip chính là một dạng dòng xoáy cục bộ địa phương. Với sự tồn tại của dòng Rip chảy xoáy ở các bãi tắm, người tắm biển nếu chủ quan, không hiểu biết và không nắm được cách phòng tránh thì rất nguy hiểm và dễ bị chết đuối khi bị rơi vào dòng Rip.
- Nghiên cứu dòng Rip có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn, bởi vì dòng Rip thường gây ra các vụ tai nạn chết người khi tắm biển hoặc làm việc ở dải ven biển sát bờ do sơ ý, không biết bơi hoặc không biết cách xử lý khi bị cuốn vào dòng Rip. Theo MacMahan J.H., Thornton Ed.B. and Reniers J.M. ở bang Florida (Mỹ), sự nguy hiểm lớn nhất trong các mối nguy hiểm tự nhiên xảy ra tại các bãi tắm là do dòng Rip gây ra, cộng đồng xã hội và các cơ quan quản lý phải tập trung đến trên 80% sức lực, tiền của để đề phòng tai họa, xử lý và cấp cứu cho những trường hợp do dòng Rip gây ra tại các bãi biển. Theo dẫn liệu của Luschine J.B.(1991) và Lascody R.L.(1998) cho biết, số lượng người thiệt mạng do dòng Rip ở bang này còn lớn hơn cả những trường hợp hỏa hoạn, bão tố hoặc những biến loạn khác. Ngoài ra, dòng Rip còn gây ra sự biến đổi mạnh của địa hình bờ và đáy biển ở vùng sát bờ, nơi có các công trình nhân tạo và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những biến đổi môi trường và sinh thái cục bộ ở vùng ven biển, để lại những sự kiện khá bí ẩn đối với những ai chưa hình dung được hoặc chưa phân biệt rõ ràng về sự tồn tại của dòng Rip.
- Ở các quốc gia càng giàu có, số người đi nghỉ dưỡng-du lịch và tắm biển càng tăng, các hoạt động kinh tế và xã hội ven bờ càng nhiều thì con số tai họa do dòng Rip gây ra càng cao. Các nước có nền kinh tế biển phát triển, đặc biệt là ở Mỹ, Nhật Bản và ở Úc, người ta rất chú trọng nghiên cứu và cảnh báo dòng Rip, họ đã tìm ra những phương pháp dự báo, cảnh báo ngắn hạn và dài hạn, hướng dẫn cách đề phòng và xử lý các tình hướng khi bị dòng Rip lôi cuốn. Có thể kể đến một số cơ quan thực hiện nhiệm vụ này, như: Sở Dự báo Thời tiết Quốc gia (National Weather Service–NWS) thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA). Trong những Sở địa phương của NOAA có những Trung tâm chuyên ngành phục vụ dự báo dòng Rip ven biển, ví dụ như ở các Sở Dự báo Thời tiết Philadelphia, Florida, Wilmington, Wakefield,…không những chỉ dự báo mà người ta còn tổ chức những hình thức cảnh báo dòng Rip rất bài bản và bắt mắt tại các bãi tắm ven bờ có Rip. Tại Sở Dự báo Thời tiết Melbourne cũng có cơ quan chuyên ngành về cảnh báo dòng Rip cho các bãi tắm du lịch ở Úc…Các tài liệu nghiên cứu còn cho biết, đặc biệt ở các khu vực nghỉ dưỡng ven biển và bãi tắm luôn luôn có các đội tuần tra, cứu hộ, các vọng gác kiểm soát, các tấm Panô, áp phích cảnh báo Rip current. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sự nguy hiểm rình rập của dòng Rip, việc hướng dẫn cách nhận dạng và phương pháp phòng tránh khi bị dòng Rip cuốn trôi cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan dự báo.

2. Nguyên nhân và cơ chế hình thành dòng Rip:

- Về cơ bản dòng Rip phụ thuộc vào sóng biển và địa hình chi tiết của bờ và đáy trong đới sóng đổ. Sóng biển chứa những yếu tố ngẫu nhiên rất cao, do đó cũng tạo cho dòng Rip một tính chất ngẫu nhiên trong quá trình hình thành của nó. Mặt khác dòng Rip là một một yếu tố động lực mạnh mẽ của nước biển vùng ven bờ, sự tồn tại và hành vi của nó phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố thủy thạch động lực khác, đặc biệt là các điều kiện giới hạn của một bài toán nước nông. Vì vậy, cho đến nay chưa có một cơ sở lý luận chính thống nào cho dòng Rip, cả về lý thuyết động lực học lẫn lý thuyết thống kê. Do sự liên quan chặt chẽ với chế độ động lực học đới ven bờ nên nó thường được coi như một khía cạnh trong lĩnh vực nghiên cứu thủy thạch động lực vùng ven bờ nói chung và hệ dòng chảy ven bờ nói riêng. Các công trình nghiên cứu về dòng Rip thực ra cũng chỉ là sự thể hiện những nét biến đổi của bài toán chung đó.
-Theo các tài liệu nghiên cứu về dòng Rip, thì vào năm 1941, lần đầu tiên loại hình dòng chảy biển này được lưu ý, đã được ghi nhận và mô tả bởi Shepard, Emery và Lafond. Sau khi phân tích những dự liệu đo đạc các tác giả nhận định rằng cường độ và kích thước của dòng Rip có liên quan mật thiết với độ cao sóng, với đặc điểm lan truyền và phản xạ khi sóng truyền vào bờ. Về cơ bản vai trò và tính chất của dòng Rip được định đoạt bởi dạng cấu trúc địa hình bờ và đáy ở vùng sát bờ. Dòng Rip thường xảy ra ở nơi có độ cao cao nhất của một con sóng hay một tập hợp sóng khi truyền vào bờ. Sau những nghiên cứu và công bố khoa học mang tính chất phát hiện này, những cảnh báo về dòng Rip tại các bãi biển trên thực tế đã được chú trọng hơn. Tuy nhiên những nghiên cứu tiếp theo không thấy tiến triển mấy, mãi cho đến năm 1950, nghĩa là gần 10 năm sau, mới lại có các công trình công trình của Shepard và Inman, tại thời điểm này lần đầu tiên các tác giả đưa ra một khái niệm mới và tương đối hoàn chỉnh về hoàn lưu dạng “tế bào” (cell circulation) trong hệ dòng rút nói chung (hình 1)

Hình 1: Sơ đồ đơn giản về hệ thống hoàn lưu tế bào của dòng rút

- Qúa trình hình thành một cấu trúc của hoàn lưu tế bào có thể hình dung như sau: Sóng biển tiến vào bờ như một front sóng với độ cao lớn dần, nhất là ở những nơi có cấu tạo địa hình là bãi thoai thoải. Tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết và địa hình đáy, khi đến gần bờ, front sóng tạo thành hai luồng dòng chảy sát bờ theo hai hướng đối nghịch nhau, tách nhau ra. Như vậy sẽ có nhiều điểm có cơ chế tách dòng như vậy trên một bãi biển và cũng sẽ có những điểm tương ứng mà tại đó dòng chảy dọc bờ giao nhau. Tại điểm giao nhau của hai luồng dòng dọc bờ khác hướng, dòng chảy khựng lại, hòa quyện vào nhau (gọi là feeder current) và cuối cùng chuyển hướng gấp ra khơi tạo thành dòng Rip. Dòng Rip thường thường là dòng trực giao với bờ nhưng cũng có nhiều trường hợp xiên bờ thành một góc nhất định. Tốc độ của dòng Rip là khá cao, trung bình đạt đến ~1,00 m/s, có tài liệu cho rằng có thể lên đến 2,00 m/s. Ở cuối dòng Rip (ở phía biển, nơi kết thúc dòng Rip có tài liệu gọi là “đầu Rip”(rip head)), dòng chảy yếu hơn và tỏa ra bốn phía như hình bó hoa, một phần hòa vào với dòng chảy sóng đang tiến vào bờ và bắt đầu lại quá trình cấu tạo dòng Rip. Toàn bộ quá trình đó tạo thành một vòng khép kín của dòng chảy sóng ở vùng sát bờ: dòng chảy dọc bờ - dòng Rip - dòng sóng tiến vào bờ, giữa chúng là các cấu trúc phụ gồm feeder current và Rip head. Nó là một tế bào của hoàn lưu trong hệ Rip current. Không phản đối khái niệm trên, nhưng các tác giả Putnam, Munk và Taylor lại cho rằng nguyên nhân sinh ra dòng Rip là do sóng lớn chồng chất lên nhau, trườn cao lên trên bãi rồi rút xuống, quá trình rút đó mở đầu cho việc đẩy nước từ bờ ra khơi thành luồng cắt ngang dòng chảy dọc bờ, đó chính là dòng Rip. Cách giải thích như vậy cũng hợp lý, nó bổ sung cho khái niệm về loại hình dòng chảy đặc biệt này. Với nguyên nhân sóng lớn trườn bờ thì dòng Rip có thể xuất hiện mạnh liệt và đặc biệt trên một số bãi biển, dưới áp lực của những điều kiện thời tiết xấu, như bão tố ở ngoài khơi tạo ra sóng lớn, sóng vỗ bờ, sóng lừng trườn bờ và rút xuống mạnh. Quá trình động lực này sẽ đẩy lên bờ và rút ra biển những khối lượng cát đáng kể, trong nhiều trường hợp làm cho bờ và bãi biển biến đổi tạo thành đường mép bờ có các mũi cát nhô ra (cuspate) và lõm vào (embayements) đi liền nhau với kích thước khác nhau. Người ta thường dựa vào dấu hiệu đó để cảnh báo khả năng tồn tại dòng Rip.
- Mặc dù sóng, khúc xạ của nó vào địa hình bờ và đáy ở sát bờ qui định vị trí và cường độ của dòng Rip, các khảo sát còn cho thấy hoàn lưu tế bào vẫn xuất hiện ở những bãi biển có địa hình bờ và đáy tương đối phẳng và đồng nhất. Trong trường hợp nơi hoàn lưu tế bào không còn là hệ quả của phản xạ sóng hay biến đổi địa hình chi tiết nữa. Ngoài ra, các khảo sát còn cho thấy sóng lớn chỉ sản sinh những dòng Rip mạnh, trong khi đó sóng nhỏ hơn thì sinh ra dòng Rip yếu hơn nhưng số lượng cấu trúc này lại nhiều hơn đáng kể trên cùng một không gian bãi biển. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho những công trình nghiên cứu cơ chế động lực của dòng Rip về sau.
- Dòng Rip ở các bãi biển không chỉ là hậu quả của các nguyên nhân do sóng biển bề mặt (sóng do gió) truyền vào bờ. Các yếu tố hải dương học như hệ dòng chảy ven bờ, thủy triều và dòng triều, thay đổi mực nước, v.v…kết hợp với các đặc điểm khác biệt về địa hình bờ và đáy ven bờ như các bãi cát ngầm (bars), các lạch triều (inlets),…,cũng là nguyên nhân gây nên những luồng dòng chảy tách bờ mạnh mẽ mà nếu không lưu ý hoặc được cảnh báo trước chúng sẽ là tại họa gây chết người. Có nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới đã giới thiệu những hình ảnh khái quát về thủy triều và địa hình ven bờ tương ứng dễ tạo ra các loại dòng chảy nguy hiểm như vậy.
- Lý thuyết động lực học dòng Rip về cơ bản được xây dựng trên khái niệm về áp lực bức xạ sóng (radiation stress) của Longuet-Higins M.S.,Longuet-Higins M.S. & Stewart R.W(1964) – một loại dòng động lượng vượt trội (excess flow of momentum) sản sinh từ những con sóng hoặc một tập hợp sóng tiến vào bờ. Các thành phần ngang và dọc bờ của áp lực sóng bức xạ tạo nên sự chênh lệch độ cao mặt nước biển trong không gian ven bờ, trong đó có nơi mặt nước dâng cao hơn bình thường (set-up) gắn liền với nơi có mặt nước giáng thấp (set-down). Sự chênh lệch mực nước đó tất yếu phải tạo ra dòng nước chảy từ khu vực có set-up cao đến khu vực set-up thấp hoặc khu vực set-down (hình1,2). Đó là cơ chế cấu tạo dòng do sóng. Trong cấu tạo đó, như đã nói ở trên, tại những điểm giao nhau của hai cấu tạo nghịch dòng sẽ xuất hiện feeder-current, xuất hiện điều kiện và xu hướng tách bờ của dòng dọc bờ, xuất hiện khả năng tạo dòng rút. Cần lưu ý, một cơ chế thành tạo hoàn lưu tế bào như vừa mô tả, có thể xảy ra trong trường hợp cặp hai con sóng lớn cạnh nhau, nhưng thường vẫn là trong không gian lan truyền của hai tập hợp cạnh nhau mà mỗi tập hợp là một loạt các con sóng đồng hành. Mỗi tập hợp ấy cũng tạo ra những khu vực set-up (nơi chứa độ cao sóng lớn) và set-down (nơi chứa độ cao sóng nhỏ). Theo khái niệm cơ bản về áp lực bức xạ sóng ven bờ đã phát triển nhiều công trình nghiên cứu lý thuyết và bán thực nghiệm đối với dòng chảy ven bờ, trong đó hoàn lưu tế bào và dòng Rip bãi biển là những yếu tố động lực chi tiết. Các bài toán thủy động lực được giải nhằm nghiên cứu dòng Rip đều được quán triệt đầy đủ khái niệm áp lực bức xạ sóng ven bờ, chính vì vậy chúng đều mang những khía cạnh, những chi tiết khác với các bài toán thủy thạch - động lực thông thường khác.

Hình 2: Sơ đồ cơ chế hoàn lưu tế bào kiểu ”Set-up”

- Đối với các bãi tắm có độ dốc lớn, như bãi tắm Nha Trang, bãi biển Tuy Hòa….vào các thời điểm thời tiết xấu, biển bị biến động mạnh do bão hoặc gió mùa Đông Bắc, sóng lừng với độ cao lớn đã từng đợt đổ dồn dập vào bờ một lượng nước lớn, với lượng nước đó sau khi rút ra biển đã tạo thành dòng Rip; Ở những khu vực có khả năng xảy ra dòng Rip mạnh khi có sóng lớn như tại bãi biển Nha Trang, bãi biển Tuy Hòa…, với độ dốc bãi lớn, khi sóng lớn tràn vào bờ sẽ tác động làm cho địa hình bãi biển bị xói lở và bồi tụ không đều, tạo thành các đỉnh nhọn nhô lên và các rãnh lõm xuống nối tiếp nhau trên bãi, đây là điều kiện địa hình rất thuận lợi để hình thành dòng Rip. Dòng Rip ở những khu vực bãi biển có độ dốc lớn thường có tốc độ mạnh của dòng chảy ở tầng sát đáy, do đó rất nguy hiểm trong điều kiện sóng lớn tràn bờ kết hợp với thuỷ triều đang lên.
+ Đối với các bãi tắm có độ dốc thoai thoải vừa phải giống như Bãi Dài Cam Ranh và một số bãi ngang khác, quy luật tác động của sóng đến địa hình đáy cũng tồn tại tương tự như vậy, nhưng với các đỉnh nhọn và rãnh địa hình có sự chênh lệch độ cao nhỏ hơn so với bãi biển có độ dốc bãi lớn như bãi tắm Nha Trang, bãi biển Tuy Hòa. Khác với bãi tắm có độ dốc lớn, ở bãi tắm có độ dốc thoai thoải, các đỉnh nhọn và rãnh địa hình được hình thành không những ngay trên bãi, mà còn nằm chìm dưới mặt nước và kéo dài ra biển hàng chục mét. Ngoài ra, cấu trúc địa hình ở bãi tắm có độ dốc thoai thoải còn có khả năng tạo ra vô số các cồn cát ngầm phân bố độc lập hoặc liên kết với nhau và nằm cách bờ không xa, do đó đã tạo nên trong vùng sóng đổ một hình thái địa hình đáy rất phức tạp, điều này đồng nghĩa với khả năng hình thành dòng Rip ở đây rất phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với bãi tắm có độ dốc lớn như bãi Nha Trang.
+ Như vậy dòng Rip theo khái niệm mở rộng, đó chính là một dòng nước chảy mạnh từ bờ theo hướng ra biển, nguyên nhân là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó yếu tố địa hình đáy kết hợp với trường sóng tới là hai nguyên nhân chủ yếu. Ví trí dịch chuyển và cường độ của dòng Rip luôn luôn phụ thuộc vào cấu trúc của địa hình đáy và đặc điểm của trường sóng tới. Sóng có độ cao khác nhau sẽ gây ra các dòng Rip với cường độ khác nhau. Theo kết quả tính toán bằng mô hình dự báo dòng Rip của chúng tôi, thấy rằng, khi độ cao sóng tới là 1m thì dòng Rip có thể đạt tốc độ cực đại khoảng 1m/giây tại các rãnh sâu.
+ Dòng Rip xảy ra tại các bãi biển do có các yếu tố thành tạo khác nhau, nên vị trí, thời gian và chu kỳ xuất hiện rất khác nhau. Tại một số bãi biển, dòng Rip có thể tồn tại quanh năm, tồn tại theo mùa, theo tháng, ngày, giờ và phút. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ dựa trên cơ sở phân tích các số liệu quan trắc trong một khoảng thời gian dài (20 ngày), thì đại bộ phận các dòng Rip đều có thời gian sống rất ngắn, trung bình vào khoảng vài phút. Cũng cần nhớ rằng, dòng Rip thường tồn tại chủ yếu ở những vùng biển có sự tồn tại của các đỉnh nhọn địa hình cố định nhô ra biển, như trên đầu và bên cạnh các bờ kè, đê chắn sóng, cầu cảng và các công trình nhân tạo khác xây sát bờ biển. Hiện hay dòng Rip được xem là một trong những mối nguy hiểm hàng đầu khi tắm biển, là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển.

3. Các dạng dòng Rip tiêu biểu:

+ Dưới đây có thể giới thiệu một số dạng dòng Rip tiêu biểu đã xảy ra phổ biến tại các bãi biển thế giới mà cơ chế hình thành của nó có sự liên quan mật thiết với các dạng địa hình bờ và đáy biển và các đặc trưng của trường sóng tới tác động. Trong thực tế dòng Rip được hình thành rất đa dạng, nhưng ở đây chỉ giới thiệu 4 loại dòng Rip cơ bản và phổ biến nhất, đó là: dòng Rip xác định (fixed Rip), dòng Rip cố định (permanent Rip), dòng Rip tức thời (flash Rip) và dòng Rip di chuyển (traveling Rip), cụ thể có thể giải thích như sau (hình 3):
a. Loại dòng Rip xác định (fixed Rip): là loại dòng Rip hình thành ở những nơi có các công trình nhân tạo được xây dựng hoặc các cấu trúc tự nhiên nhô ra biển, như: cầu tàu, đập chắn sóng, các đỉnh nhọn địa hình hay các mũi đá…Dòng Rip xác định cũng được phát hiện thấy ở những vùng sóng đổ, nơi tồn tại các vũng nước sâu so với xung quanh. Ngoài ra, sự hình thành của dạng dòng Rip này còn phụ thuộc vào các dạng đường bờ và cấu trúc của các bar cát hình thành ở vùng sát bờ. Ví trí tốt nhất để hình thành loại dòng rút này là tại các điểm nằm giữa của các mũi nhọn nhô ra biển (cuspate). Dạng dòng Rip này chỉ tồn tại ở những vị trí nhất định cho đến khi có sự thay đổi của địa hình đáy sát bờ. Sự thay đổi này thường là kết quả của sự thay đổi thời tiết và thay đổi mùa tại các bãi biển có vị trí địa lý khác nhau.
b. Loại dòng Rip cố định (permanent Rip):
dòng Rip này là loại dòng có hướng chảy ra biển và có tính chất tựa dừng, nó được hình thành trên “đầu” của các cấu trúc công trình và có thể tồn tại quanh năm. Những cấu trúc như vậy thường là các đê chắn sóng, mũi đất nhọn nhô mạnh ra biển hoặc do nguyên nhân của một dòng nước mạnh ven bờ tạo nên.
c. Loại dòng Rip tức thời (Flash Rip):
loại dòng Rip này có thời gian tồn tại rất ngắn (nhỏ hơn 10 phút), nó được hình thành do sự ảnh hưởng của sóng vỗ mạnh. Điều này có thể giải thích, sóng lừng với năng lượng lớn do bão gây nên được truyền vào bờ và bị tiêu tán dần. Dòng Rip Tức thời là rất khó dự báo do sự ảnh hưởng tạm thời của các điều kiện sản sinh ra nó, cũng như sự thay đổi vị trí của nó trong quá trình phát triển.
d. Loại dòng Rip di động (Traveling Rip):
dòng Rip này là một loại dòng Rip được hình thành rất phổ biến, khi có sự tồn tại của một dòng chảy ven bờ với cường độ mạnh. Dòng chảy này chuyển động theo hướng song song với đường bờ đã cuốn hút dòng Rip tách khỏi vị trí phát triển ban đầu của nó, giống như một dòng Rip di động tách khỏi vùng hình thành và sẽ yếu dần đi. Nếu sóng và thủy triều còn ảnh hưởng tiếp tục thì dòng Rip này sẽ còn phát triển, bởi vì, khi đó một dòng Rip khác sẽ được hình thành từ trên bãi xuống biển, bổ sung cho dòng rút đã bị cuốn đi. Quá trình này có thể tiếp tục phát triển suốt ngày, nếu các điều kiện hình thành còn thuận lợi.

Hình 3: Hình ảnh về các loại hình dòng rút trên các bãi biển

4. Sự nhận dạng về dòng Rip:

- Dòng Rip xảy ra tại các bãi biển không phải khi nào chúng ta cũng có thể phân biệt được, vì nó là một hiện tượng thủy thạch động lực học biến đổi rất phức tạp, nên rất khó có thể dự báo trong mọi thời điểm và tại mọi nơi của các bãi tắm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chúng ta có thể dễ dàng nhận biết sự tồn tại của các dòng Rip tại các bãi biển bằng mắt thường, ảnh chup kỹ thuật số, quay phim camera, bản đồ địa hình chi tiết hoặc bằng ảnh máy bay và viễn thám.
- Bằng mắt thường hoặc ảnh kỹ thuật số, máy quay Camera, chúng ta có thể nhận thấy dòng Rp xuất hiện trên nền chung tương đối đồng nhất của nước biển tại các bãi tắm, nơi các dòng Rip xuất hiện thường để lại những dấu vết khác biệt có thể dễ nhận biết, như: sự xuất hiện của một vùng xáo trộn lăn tăn hay một vùng bọt nước trắng xóa trên mặt biển gần sát bờ; hoặc một dấu hiệu rõ nét về màu sắc của nước biển so với xung quanh khi nhìn từ trên cao xuống; hoặc một dải hẹp tập trung những rác rưởi và vật trôi nổi trên mặt nước, v.v…Du khách tắm biển hoặc những người làm những công việc ven biển cần quan sát và nhận biết những dấu hiệu như vậy để đề phòng dòng Rip, đặc biệt đối với những người không biết bơi, bơi yếu hoặc trẻ em chơi đùa trên bãi biển thiếu sự theo dõi của những người lớn.
- Bằng ảnh máy bay hoặc ảnh viễn thám đa phổ với độ phân giải cao, chúng ta cũng có thể nhận dạng dòng Rip một cách tương đối chính xác. Kinh nghiệm giải đoán ảnh viễn thám cho thấy, ở những khu vực có sóng đổ nhào, thường tạo ra trắng xóa, đây là những khu vực bãi tắm có độ sâu bãi tắm nhỏ, vì do có sự tồn tại của các bar cát ngầm hoặc các đỉnh nhọn địa hình nằm nhô ra biển, ở những vùng như vậy, dòng Rip thường không tồn tại. Còn ở những khu vực không có sóng đổ nhào, mặt nước thường phẳng lặng và nước biển luôn có màu xanh đậm, những khu vực này là những khu vực tồn tại các ao sâu hoặc rãnh sâu địa hình so với các vùng xung quanh, ở những khu vực như vậy, khả năng xuất hiện của dòng Rip là rất lớn. Bởi vậy, những người tắm biển không nên tắm ở những khu vực biển lặng nước sâu, mà nên tắm ở những khu vực biển cạn có sóng đổ nhào bọt trắng xóa.
- Người ta cũng có thể nhận dạng dòng Rip bằng bản đồ địa hình đáy chi tiết vùng ven bờ: khi xuống tắm biển chúng ta nên nghiên cứu kỹ tấm bản đồ địa hình đáy chi tiết của vùng bãi tắm (nếu vùng đó đã xây dựng được tấm bản đồ địa hình vùng ven bờ với tỷ lệ lớn), thì dựa trên cơ sở các chỉ dẫn trên bản đồ địa hình, chúng ta có thể nhận dạng sơ bộ những khu vực được an toàn và không an toàn trong khi tắm biển. Các khu vực không an toàn, cần phải luôn luôn cảnh giác trong lúc tắm biển thường là các khu vực tồn tại rõ nét các ao sâu hoặc các rãnh sâu chạy dài từ bờ ra biển. Những khu vực này thường nằm xen giữa các cồn cát ngầm nằm chìm dưới nước hoặc giữa các đỉnh nhọn địa hình nhô ra biển.
- Người tắm biển cũng có thể tự bản thân mình nhận biết dòng Rip tác động ở khu vực mình đang tắm, thông qua dấu hiệu sụt lún dần dần của cát dưới chân chỗ mình đang đứng. Tức là khi bạn đang đứng ở khu vực mình đang tắm, nếu bạn nhận thấy cát nằm dưới chân mình từ sụt lún xuống rất nhanh, điều này có nghĩa là bạn đang bị tác động của hiện tượng dòng Rip. Nguyên nhân là do khi dòng Rip hoạt động mạnh, dòng sẽ cuốn nước cùng với cát biển ở khu vực gần bờ chảy ngược ra khơi. Trong trường hợp này thì bạn nên rời khỏi ngay vị trí bạn đang đứng càng nhanh càng tốt.

5. Hướng dẫn cách phòng chống:

- Đối với những người tắm biển, đặc biệt đối với khách du lịch ở các nơi xa đến tắm biển, do chưa hiều biết về dòng Rip và các đặc điểm của bãi tắm, cho nên cần tìm hiểu các tiêu chuẩn an toàn của một bãi tắm, có thể bằng cách bạn hỏi những người dân địa phương sống xung quanh bãi tắm, các nhân viên của đội cứu hộ cứu nạn hoặc đọc kỹ các biển cảnh báo được lắp đặt tại các điểm có khả năng dòng Rip thường xuyên xuất hiện

-
Còn đối với những người tắm biển do quá tự tin và chủ quan, nếu khi bị dòng Rip cuốn trôi thì cần phải nắm được các phương pháp phòng tránh theo các bước thực hiện sau đây:
(1)
- Không nên hoảng sợ và phải hết sức bình tĩnh,
(2)
- Cố gắng bơi bơi thả trôi tự do xuôi theo dòng Rip để tiết kiệm năng lượng, cấm không bơi ngược dòng chống lại dòng Rip theo hướng ngược vào bờ,
(3)
- Để thoát khỏi sự ảnh hưởng của dòng Rip, cần bơi thả lỏng để tìm thời cơ bơi lách qua trục của dòng Rip về hai phía. Sau khi thoát khỏi dòng Rip sẽ tìm cách bơi từ từ vào bờ,
(4)
- Nếu không bơi thoát khỏi dòng Rip do dòng Rip có độ xoáy, thì phải sử dụng phương pháp bơi thả nổi hoặc bơi đứng, đồng thời kêu cứu sự giúp đỡ của những người trên bờ hoặc nhân viên đội cứu hộ, cứu nạn bờ biển,
(5)
- Người bị nạn, nếu cảm thấy đuối sức không có thể bơi được vào bờ thì phải kêu to và vẩy tay yêu cầu sự cứu hộ khẩn cấp từ trên bờ. Nếu người bị nạn sau khi lấy lại được sự bình tĩnh hoặc sau khi dòng Rip đã yếu dần ở khu vực xa bờ, thì cố gắng bơi lách qua dòng Rip và sau đó theo hướng thẳng vào bờ. Không nên hoảng sợ, vì biết rằng dòng Rip sẽ chấm dứt và tiêu tán ở vùng nước sâu xa bờ.

-
Đối với những người đang ở trên bờ chưa bị dòng Rip tấn công cần phải thực hiện những điều sau đây:
(1)
- Phải thận trọng để mình không phải là nạn nhân tiếp theo của dòng Rip,
(2)
- Cần tìm ngay đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn bãi biển để giúp đỡ những người gặp nạn,
(3)
- Nếu không không liên lạc được với đội tuần tra cứu hộ cứu nạn bãi biển, thì tìm người biết bơi giỏi hoặc người có kinh nghiệm đi biển nhiều để giúp đỡ cứu hộ người gặp nạn,
(4)
- Kêu to nói với nạn nhân về cách bơi thả lỏng, bơi đứng, không hoảng sợ sẽ có người giúp đỡ,
(5)
- Nếu có phao cứu sinh thì có thể ném phao xuống biển để hộ trợ cho nạn nhân,
(6)
-Gọi khẩn cấp đến số điện thoại chuyên nghiệp của đội cứu hộ cứu nạn để giúp đỡ.

5. Một số hình ảnh về sự tồn tại của dòng Rip tại một số bãi tắm của tỉnh Khánh Hòa

Hình 4: Đây là ảnh của dòng Rip xuất hiện tại Bãi Dài–Cam Ranh vào lúc 11giờ ngày 8/4/2009. Thời gian tồn của nó trong khoảng 1 giờ, địa điểm xuất hiện cách mũi Cù Hin - Bãi dài khoảng 1 km về phía nam.Tình hình thời tiết xảy ra trong thời điểm quan sát thấy dòng Rip này: sóng lừng có độ cao 0,3-0,5m, tốc độ gió 3-4m/s và không ổn định. Nhận xét: dòng Rip hình thành ở đây thuộc dạng Fixed Rip (Rip xách định). Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của dạng địa hình ven bờ có sự tồn tại của các đỉnh nhọn địa hình (cuspate) và các rãnh sâu (channel) phân bố xen giữa và kế tiếp nhau.
 
Hình 5: Cũng tương tự như hình 1, đây là ảnh dòng Rip phát hiện ở khu vực bãi tắm Cù Hin-Bãi Dài Cam Ranh vào hồi 8h/17/11/2010. Cơ chế hình thành dòng Rip cũng có quy luật là của dạng dòng xác định (Fixed Rip), nguyên nhân là do ảnh hưởng của dạng cấu trúc địa hình đáy cuspate và channel, kết hợp với sự tác động mạnh của sóng lừng đang tiến vào bờ. Dòng Rip hình thành ở khu vực này khá thường xuyên, vì ở đây luôn tồn tại một rãnh sâu quanh năm, tuy nhiên với cường độ mạnh hay yếu khác nhau, phụ thuộc vào độ cao sóng
 
Hình 6: Đây là ảnh của một dòng Rip có dạng xoáy tại chỗ, được hình thành ở gần cuối cầu cảng Vinpearl land (bãi tắm Nha Trang). Dòng Rip này thuộc dạng dòng Rip cố định (Permanent Rip), được hình thành do dòng nước phản xạ từ cầu cảng ra gặp dòng đang đi vào và hội tụ tạo thành, đây là dòng Rip có tính chất xoáy, do đó người bơi yếu sẽ khó thoát ra khỏi dòng Rip (ảnh chụp vào lúc 7h/2/11/2009)
 
Hình 7: Ảnh chụp dòng Rip hình thành ở khu vực bãi tắm gần nhà nghỉ 378 (đối diện với UBND tỉnh Khánh Hòa). Dòng Rip ở đây cũng thuộc dạng Permanent Rip, sự hình thành là do sự phản xạ mạnh của sóng vào bờ kè đường Trần Phú, tạo ra một dòng nước ngược chảy mạnh ra nước biển, tạo thành dòng Rip. Dòng Rip ở đây xảy ra khá mạnh, nếu sóng lừng có độ cao lớn đánh dồn dập vào bờ kè nằm gần sát mép nước biển
 
Hình 8: Đây là dạng dòng Rip xảy ra rất phổ biến trên đại bộ phận của bãi tắm Nha Trang, nguyên nhân hình thành là do ảnh hưởng mạnh của sóng lừng từ bão hoặc gió mùa Đông Bắc gây ra. Đây là dòng Rip dạng xác định (fixed rip), cơ chế hình thành là do sự tác động trực tiếp của sóng lừng làm bãi biến đổi tạo thành cấu trúc địa hình bãi có dạng cuspate và channel. Độ cao sóng lừng càng lớn thì dạng địa hình cuspate và channel càng được thể hiển rõ ràng và trên cơ sở đó dòng Rip sẽ được hình thành, đặc biệt vào các thời điểm có sóng lớn tác động vào bờ trong điều kiện mực nước thủy triều dâng cao. Khác với Bãi Dài Cam Ranh, dạng địa hình Cuspate và channel ở đây chủ yếu chỉ thể hiện trên bãi, còn ở Bãi Dài Cam Ranh thì quá trình hình thành cả trên Bãi lẫn dưới nước. Dòng Rip ở bãi Nha Trang do bãi biển có độ dốc lớn, nên thường biến đổi thành dòng dội rất nguy hiểm, vì nó có tốc độ lớn và chủ yếu hình thành ở tầng gần đáy
 
Hình 9: Trên cơ sở phân tích ảnh máy bay đa phổ ngày 21-2-2004, có thể nhận dạng khả năng xuất hiện các dòng Rip tại các rãnh sâu, hố sâu của Bãi Dài Cam Ranh. Cấu trúc địa hình bãi và đáy ở đây có dạng bao gồm các đỉnh nhọn địa hình nhô từ bờ ra biển và nằm xen giữa chúng là các rãnh sâu, hố sâu. Ảnh máy bay còn cho phép nhân dạng địa hình đáy vùng ven bờ thông qua trạng thái màu nước biển do sóng tạo ra: vùng nước bọt trắng xóa là vùng đỉnh có các nhọn địa hình, đó là vùng nước nông, còn vùng nước có màu xanh đậm là vùng của các rãnh nước sâu
 
Hình 10: Trên ảnh viễn thám Quicbird chụp ngày 31 tháng 1 năm 2010, đã phát hiện thấy sự hình thành của một dòng Rip đơn độc tại một vùng lõm (rãnh sâu) của hệ thống địa hình dạng cuspate và embayement tại tọa độ 109o12’02”E; 12o04’10”N với kích thước chiều dài từ bờ ra biển L = 100 m.
 
Hình 11: Cấu trúc bãi biển có dạng địa hình với những cuspates và embayements được hình thành ngay trên bãi Nha Trang do nguyên nhân tác động bào mòn của sóng lừng trên bãi. Với dạng địa hình bãi đặc trưng này, dòng Rip có thể hình thành trực tiếp ngay trên bãi khi có sóng lớn tràn bờ kết hợp với sự dâng lên của mực nước.
 
Hình 12: Bằng việc giải đoán ảnh Viễn thám, địa hình đáy ở khu vực bãi tắm Bắc Hòn Chồng-Nha Trang cho thấy ở đây có khả năng xuất hiện các dòng Rip nguy hiểm ở các khu vực khác nhau: 1 - ở gần đường Đặng Tất và 2 - ở gần đường Mai Xuân Thưởng)

 

    
Copyright © 2012 - Trung tâm Dữ liệu và GIS - Viễn thám
  Tìm Kiếm