26 Tháng Tư 2024  
..:: Trang chủ » Tin tức ::..   Đăng nhập
 Chi tiết
Sinh vật mang độc tố có thể gây chết người ở vùng biển Việt Nam

Chỉ tính từ năm 1999 đến tháng 4 năm 2003 đã có 552 người ngộ độc do ăn phải cá Nóc, làm chết 104 người (Báo cáo của Bộ Y Tế ngày 29/4/2003). Phạm vi ngộ độc không chỉ hạn chế ở vùng ven biển mà còn lan ra cả 35/64 tỉnh thành của cả nước. Trong đó có cả nạn nhân ở những vùng miền núi xa xôi cách biển hàng trăm kilomet.

Chất độc của các sinh vật biển là nguyên nhân gây ngộ độc nguy hiểm chết người. Nhưng mặt khác, những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy những độc tố này lại là tiềm năng phong phú cho ngành Y Dược. Ví dụ, trước đây, tetrodotoxin đã từng được sử dụng làm thuốc gây tê, điều trị một số bệnh tim mạch. Hiện nay tetrodotoxin được dùng trong các nghiên cứu hoạt động của tế bào thần kinh (Lê Xuân Tú và Vũ Văn Hạnh, 2003). Ngoài ra, một số độc tố khác đã và đang được sử dụng trong nghiên cứu điều trị một số bệnh hiểm nghèo như ung thư, phong hủi...

Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam  đã giao cho Viện Hải dương học thực hiện đề tài “Khảo sát và nghiên cứu sinh vật mang độc tố có thể gây chết người ở vùng biển Việt Nam” nhằm cung cấp các thông tin cần thiết như: đặc điểm hình thái nhận dạng, sinh học, sinh thái, phân bố của các lòai sinh vật mang độc tố, tính độc, triệu chứng ngộ độc, cách đề phòng và chữa trị...

Đề tài đã có những kết luận quan trọng:

  1.  Xác định được 39 loài sinh vật chứa độc tố có khả năng gây chết người tại biển Việt Nam bao gồm: 1 loài mực tuộc, 2 loài ốc cối, 3 loài cua hạt, 1 loài sam, 22 loài cá và 10 loài rắn biển.  Đa số chúng là những loài có phân bố rộng, từ Vịnh Bắc Bộ đến Vịnh Thái Lan như cá Nóc, cá Bống Vân Mây, So và Rắn biển. Một vài loài (như Ốc Cối, Cua Hạt, Mực Đốm Xanh) có phân bố tương đối hẹp, chỉ mới gặp ở vùng biển miền Trung hay Đông Nam Bộ.
  2. Những sinh vật độc hại này có thể gây độc cho con người theo hai con đường chính:
    • Qua con đường thức ăn: Phần lớn là do con người vì thiếu hiểu biết đã sử dụng chúng làm thức ăn mà bị trúng độc (như Cá Nóc, Cá Hồng, Cua, Mực Đốm Xanh, So, v.v...).
    • Qua phản ứng tự vệ do con người vô tình hoặc cố ý đụng chạm, sờ mó phải chúng, bị chúng cắn, chích,  phóng tên độc. Các chất độc trong tuyến nước bọt sẽ theo răng hoặc tên độc mà chuyển vào vết thương nạn nhân (như các Loài Rắn Biển, Mực Đốm Xanh, Ốc Cối, v.v...).
    • Một số lòai như Mực Đốm xanh, Ốc Cối có thể gây độc bằng cả hai cách trên.
  3. Bản chất các độc tố thuộc nhóm chất độc thần kinh: Paralytic shellfish poisoning (cua...), Tetrodotoxin (cá Nóc, mực Đốm xanh), Peptide (ốc Cối) hoặc các Protein (rắn biển ), do đó chúng tác động trực tiếp đến hệ thần kinh não bộ, hệ tim mạch... gây ra những triệu chứng ngộ độc điển hình ở người. Hầu hết chúng là những chất độc nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao trong thời gian tác động rất nhanh với liều độc thấp.
  4. Trong số 8 loài cá nóc được phân tích hoá sinh, 6 loài: cá Nóc Đầu Thỏ Chấm Tròn (cá Nóc Thu) Lagocephalus  sceleratus, cá Nóc Chuột Chấm Son Arothron nigropunctatus, cá Nóc Sao Takifugu niphobles,  cá Nóc Chuột Vân Bụng Arothron hispidus, cá Nóc Chuột Chấm Sao Arothron stellatus  và  cá Nóc Vằn Takifugu oblongus được khẳng định là những loài độc. Độc tính của chúng biến động khá phức tạp theo thời gian trong năm và giai đoạn sinh trưởng. Kết hợp với các nghiên cứu trước đây, đề tài đã xác định được 13/20 loài cá nóc chứa độc tố tại vùng biển Việt Nam. Mặt khác, trứng và gan thường là nơi có độc tính cao nhất, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, cơ hoặc da lại là cơ quan tập trung độc tố cao hơn cả, trong khi thông thường, các bộ phận này vẫn được xem là ít độc nhất. Mặc dù chưa phát hiện thấy độc tố trong các loài còn lại, nhưng để đi tới nhận định chính xác chúng là loài độc hay không độc, cần phải có những nghiên cứu tiếp tục trong thời gian tới. Do đó, tuyệt đối không được sử dụng các loài này làm thực phẩm, ngay cả phần thịt (cơ).
  5. Cá bống Vân mây được xếp vào nhóm sinh vật tập trung độc tố ở da, và bước đầu cho thấy chúng biển hiện tính biến động độc tố khá rõ nét theo vùng phân bố hẹp. Khi ăn cá bống, cần loại bỏ hết những cá thể có hình dạng nghi ngờ giống cá bống Vân Mây (có những vân trên lưng như vân mây) để tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc do thiếu thông tin về loài cá bống độc hại và nguy hiểm này.
  6. Khác với những nghiên cứu trước đây, tất cả các bộ phận cơ thể khác nhau của 3 loài cua Hạt, mực Đốm xanh và So đều chứa độc tố, do đó tuyệt đối không được sử dụng các đối tượng này làm thức ăn dưới bất kỳ hình thức chế biến nào.
    Cần thận trọng, cảnh giác đối với những loài ốc độc, rắn biển và mực Đốm xanh. Không nên đụng chạm hoặc sờ mó chúng, nên mặc đồ bảo hộ khi lặn biển, tránh bị chúng cắn, chích, nguy hiểm đến tính mạng.
You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Người đăng: Administrator Account
Ngày đăng: 24/10/2007
Số lượt người xem: 6646

Quay Về
Lỗi Có lỗi xảy ra.
Error: Unable to load the Article Details page.

  
Copyright © 2012 - Trung tâm Dữ liệu và GIS - Viễn thám
  Tìm Kiếm