09 Tháng Chín 2024  
..:: Trang chủ » Lịch sử phát triển ::..   Đăng nhập
 Trang chủ Đóng
    
 Số lượt truy cập Đóng
    
 Người Online Đóng
Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 89
Thành Viên Thành Viên: 0
Tổng Số Tổng Cộng: 89

Đang Online Đang Online:
    
 Lịch sử phát triển Đóng

VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC – SỰ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

   Sở Hải dương học nghề cá Đông dương (Service océanographique des pêches de l’Indochine) được thành lập vào ngày 14/9/1922, nâng cấp lần thứ nhất thành Viện Hải dương học Đông dương (Institut océanographique de l’Indochine) vào năm 1930, với mục tiêu là “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly) và biển Hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương. Đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản”. Chính vì mục tiêu có tính chiến lược đó nên Viện đã đuợc xây dựng tại Nha Trang, địa điểm lý tưởng để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và khai thác Biển Đông.

   Ngay sau khi thành lập, trước năm 1930, với sự tham gia của tàu De Lanessan, Viện Hải dương học đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu thập thông tin xuống phía nam (Vịnh Thái Lan, 1925), lên phía bắc (Vịnh Bắc Bộ, 1925), ra các vùng khơi xa xôi (Quần đảo Hoàng Sa, 1926 và Quần đảo Trường Sa, 1927) và thực hiện khảo sát có hệ thống và định kỳ trên 572 trạm, đặc biệt là 2 trạm cố định ở Cầu Đá (Nha Trang) và ở quần đảo Hoàng Sa.

   Năm 1952, Viện Hải dương học Đông Dương đổi tên thành Hải học viện Nha Trang(L'Institut Océanographique de Nha Trang), khi có quyết định của Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính quyền miền Nam đương thời (1954).

   Thời gian này, đất nước chưa thống nhất, việc nghiên cứu biển mang tính chất khu vực. Viện Hải dương học Nha Trang hoạt động khó khăn trong điều kiện có chiến tranh nên chú trọng đào tạo cán bộ nghiên cứu biển có trình độ trên đại học và đại học cộng đồng, tổ chức những chuyến khảo sát biển ven bờ, các cù lao gần và tập trung vào cộng tác xác định mẫu vật sắp xếp theo bộ môn, báo cáo các khảo sát ứng dụng.

   Tham gia khảo cứu vịnh Thái Lan và miền Nam Việt Nam với Viện Hải dương học Scripps (Scripps Institution of Oceanography), California, Hoa Kỳ trên tàu Stranger trong chương trình NAGA (1959-1960) và tham gia chương trình CSK (Co-operative Study of Kuroshio) (1965-1977) nghiên cứu ảnh hưởng của dòng Kuroshio.

   Trong giai đoạn này, tại miền Bắc, để khảo sát khu vực biển vịnh Bắc Bộ, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà quyết định thành lập các tổ chức nghiên cứu biển:

  • 1959: thành lập Đoàn Khảo sát Biển vịnh Bắc Bộ
  • 1961: thành lập Trạm Nghiên cứu Biển Hải Phòng
  • 1967: thành lập Viện Nghiên Cứu Biển Hải Phòng đặt trụ sở tại 246, đường Đà Nẵng, tp. Hải Phòng

   Như vậy, trong giai đoạn 1952-1975 có 02 cơ sở nghiên cứu hải dương học là Hải học viện Nha Trang (đổi tên từ Viện Hải dương học Đông Dương năm 1952) và Viện Nghiên cứu biển tại Hải Phòng (thành lập năm 1967 tiền thân là Đoàn khảo sát biển vịnh Bắc Bộ).

   Sau khi Việt Nam thống nhất, Hải học viện Nha Trang, Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng được sát nhập thành một Viện thống nhất lấy tên là Viện Nghiên cứu biển Nha Trang, trực thuộc Viên Khoa học Việt Nam, nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

   Đến năm 1993, Viện Hải dương học (Institute of Oceanography) bao gồm tất cả các cơ quan nghiên cứu biển trên toàn quốc, Viện được tổ chức thành một viện chính ở Nha Trang và hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội.

   Năm 2001, hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội được nâng cấp thành Viện Địa chất và Địa vật lý biển (Hà Nội) và Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Hải Phòng). Cả 3 viện đều trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

   Các kết quả nghiên cứu trong suốt lịch sử phát triển của Viện đã cung cấp những dẫn liệu khoa học cơ bản về điều kiện tự nhiên, các quá trình hải dương học, các hệ sinh thái, hiện trạng môi trường, khu hệ sinh vật, nguồn lợi ở Biển Đông.Trong đó, các kết quả nghiên cứu, nhận định về hệ thống hoàn lưu biển trong mối quan hệ với chế độ gió mùa; đặc trưng động lực, địa hình đáy biển, địa chất thềm lục địa; địa mạo và địa chất các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; quá trình xói lở bồi tụ, các tai biến thiên nhiên; đặc trưng các hệ sinh thái, sinh học - sinh thái nguồn lợi rất có giá trị về mặt lý luận khoa học và ứng dụng trong thực tiễn khai thác tài nguyên và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

   Sau đây là tóm tắt một số kết quả điều tra nghiên cứu nổi bật của Viện:

  1. Điều tra lập bản đồ, thiết lập các trạm quan trắc hải dương ở Biển Đông, bao gồm: vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (1925 – 2002). Điều tra nghiên cứu tổng hợp các quá trình hải dương học, nguồn lợi vịnh Bắc Bộ (1959 – 1961), dải ven biển Hải Phòng – Quảng Ninh (1965 – 1970), vùng ven bờ Khánh Hòa (1975 – 1977), vùng biển từ Thuận Hải – Minh Hải (1978 – 1980), thềm lục địa phía Nam (1981 – 1985), chế độ thủy văn và động lực Biển Đông (1986 – 1990), nguồn lợi đặc sản dải ven bờ Việt Nam (1991 – 1995), vùng nước trồi mạnh Nam Trung Bộ (1991 – 1995), vùng biển quần đảo Trường Sa (1980 –2000), điều tra định kỳ Biển Đông (1930 – 2000), qui luật xói lở bồi tụ bờ biển và cửa sông Việt Nam (1996 – 2000).
  2. Xây dựng tập bản đồ lưới giã vịnh Bắc Bộ, chương bản đồ biển của Tập Bản đồ Quốc gia, tập bản đồ thủy văn và động lực Biển Đông tỷ lệ 1/4.000.000 (2009), tập bản đồ các đặc trưng điều kiện tự nhiên, sinh thái và sức sản xuất sinh học vùng biển nước trồi mạnh Nam Trung Bộ tỷ lệ 1/500.000 (1996), các bản đồ địa hình và trầm tích thềm lục địa Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000.
  3. Tiến hành điều tra cơ bản về đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển Việt Nam, đã công bố một số kết quả nghiên cứu,
  4. Hoàn chỉnh qui trình xây dựng hệ thống dữ liệu Biển của quốc gia, xây dựng bộ chương trình lưu trữ, quản lý và trao đổi dữ liệu, thành lập cơ sở dữ liệu Hải dương học Biển Đông. Hiện nay, Viện đã thu thập và lưu giữ vốn vốn dữ liệu to lớn của 3 trung tâm dữ liệu cỡ lớn của quốc tế, của Viện Hải dương học và các Chương trình Biển Nhà nước bao gồm số liệu của 6.731 chuyến khảo sát ở Biển Đông với tổng số 149.000 trạm. Đã lưu giữ được các thông tin về điều kiện tự nhiên, nguồn lợi, tài nguyên và môi trường Biển Đông và ven bờ Việt Nam. Viện có khả năng cung cấp ngay những thông tin này kịp thời để phục vụ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của Nhà nước và của địa phương.
  5. Phát hiện các đặc điểm nhiệt động lực học tây Biển Đông. Đặc biệt đã thiết lập được bản đồ hệ dòng chảy tầng mặt và tầng sâu, khẳng định rằng dọc sườn thềm lục địa miền Trung luôn có dòng chảy mạnh (tốc độ cực đại có thể đạt trên 80 cm/s), hướng từ Bắc xuống Nam và tồn tại quanh năm. Điều này rất có ý nghĩa đối với việc khai thác nguốn lợi biển, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, xác định cấu trúc nước và các khối nước Biển Đông. Phát hiện hiện tượng và hệ nhiệt năng hiệu dụng trong biển, rất quan trọng để cung cấp các tham số kỹ thuật phục vụ nghiên cứu các quá trình biến động đáy biển, các quá trình xói lở trong khi xây dựng các công trình ngầm như đặt các ống dẫn dầu khí, các cáp quang, các công trình dân sự và quốc phòng. Cung cấp các thông số kỹ thuật cần thiết cho việc đặt đường dây cáp ngầm qua Biển Đông (từ Singapore đến Đài Loan).
  6. Xây dựng qui trình sinh sản nhân tạo tôm giống (1979). Kết quả này được phổ biến và ứng dụng rộng rãi ngay từ những năm 1980, đã được nguyên Thủ tướng Phạm văn Đồng đánh giá cao và khen ngợi khi đến thăm Viện, đã được Lãnh đạo tỉnh Phú Khánh (1985) thưởng Huy chương vàng trong Hội chợ phát triển kinh tế của địa phương. Phục hồi nguồn lợi Vẹm xanh, giải quyết việc làm và thu nhập cho 400 hộ dân; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá cảnh biển (cá ngựa, cá khoang cổ) tạo nghề mới phục vụ xuất khẩu.
  7. Theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Viện đã tổ chức thực hiện nhiều đề tài điều tra nghiên cứu qui hoạch và triển khai công nghệ ở các vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang từ 1985 cho đến nay.
  8. Đã tổ chức, quản lý và triển khai một số dự án hợp tác khu vực và quốc tế. Một số các dự án nổi bật như Chương trình hợp tác với ASEAN, Cộng đồng Châu Âu, UNEP, IOC-WESTPAC, WWF, IUCN, IMO, SEAPOL, IFREMER (Pháp), DANIDA (Đan Mạch). SAREC (Thụy Điển), BMMF, DFG ZMT, DAAF (Đức), JODC, JIMSTET (Nhật Bản), IMB (Nga), Đại học Hawai và Đại học Oklahoma (Hoa Kỳ), CSIRO (Úc), JIMSRE (Philippines) … đã giúp Viện xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực có trình độ cao. Các kết quả nghiên cứu của các dự án hợp tác quốc tế đã góp phần giải quyết một số vấn đề có tính cơ bản phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi vùng biển Việt Nam.
  9. Đã xuất bản được 190 đầu sách và chuyên khảo và hơn 1.500 công trình nghiên cứu khoa học. Hầu hết các công trình nghiên cứu được công bố trong các ấn phẩm của Viện Hải dương học: Note de l’Institut Océanographique, Mémoires de l’Institut Océanographique, Nội san Nghiên cứu Biển, Tuyển tập Nghiên Cứu Biển, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, các giáo trình, sách hướng dẫn, các báo cáo khoa học cũng như bản đồ, CD thông tin và dữ liệu biển.
  10. Đã xây dựng được một thư viện khoa học chuyên ngành và bộ sưu tập mẫu sinh vật biển lớn có giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học và bảo vệ phát triển nguồn lợi. Bảo tàng Hải dương học không chỉ có các hoạt động để phục vụ nghiên cứu khoa học mà còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở thành phố Nha Trang với nhiều trăm nghìn khách viếng thăm hàng năm. Trong năm 2010 Bảo tàng Hải dương học đã đưa vào hoạt động Phòng trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường sa” với nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng tài nguyên trong lịch sử Việt Nam và các mẫu vật tiêu bản cũng như sinh vật sống có liên quan đến hai quần đảo thiêng liêng của tổ quốc.

   Trong năm năm gần đây, Viện đã được Nhà nước giao chủ trì 5 đề tài/nhiệm vụ khoa học theo hướng nghiên cứu cơ bản gắn với ứng dụng thực tiễn. Các đề tài này đã đóng góp cơ sở lý luận cho xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam; cơ sở khoa học cho nuôi trồng thủy sản bền vững; nâng cao hiểu biết về thủy triều đỏ phục vụ quản lý an toàn thực phẩm đối với hải sản và cung cấp những hiểu biết mới về cá dữ tấn công người, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phòng tránh. Viện cũng đã tham gia thực hiện các nhiệm vụ/đề tài của các chương trình Nhà nước do các cơ quan khác chủ trì và góp phần nâng cao hiểu biết về các quá trình hải dương học, đa dạng sinh học biển và tài nguyên biển. Chín đề tài cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được triển khai trong 5 năm qua theo hướng nghiên cứu cơ bản với định hướng ứng dụng vào thực tiễn đã cung cấp nhiều dẫn liệu khoa học tăng cường hiểu biết về tương tác giữa lục địa và biển phục vụ cho khắc phục và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng công trình bờ, quy hoạch phát triển nuôi trồng và du lịch bền vững; nâng cao tri thức về độ tố học biển làm cơ sở cho bảo đảm an toàn thực phẩm.

   Có thể khẳng định rằng Biển Đông có vị trí to lớn trong quá trình phát triển của Việt Nam. Viện Hải dương học là cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị tri thức, thông tin và lực lượng cho công cuôc khai thác và bảo vệ Biển Đông. Sự phát triển không ngừng của Viện Hải dương học gắn liền với chính sách và sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam, của Viện Khoa học và Công nghệ và sự giúp đỡ quốc tế, là công sức của nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu tâm huyết với ngành khoa học hải dương ở Việt Nam, mà tiêu biểu là những nhà khoa học đầu ngành, những người lãnh đạo Viện Hải dương học trong 90 năm qua.

    
 Liên kết Đóng
    
 Phản hồi Đóng





CAPTCHA image
Nhập mã ở trên vào hộp dưới đây
Hủy Bỏ   Gửi
    
Copyright © 2012 - Trung tâm Dữ liệu và GIS - Viễn thám
  Tìm Kiếm