Thursday, May 02, 2024  
..:: Trang chủ » Trang tin các phòng nghiên cứu » Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển » Hoạt động khoa học ::..   Login
 Article Details
Sản xuất và thương mại hóa giống cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellaris

 

 Cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellaris thuộc họ cá thia Pomacentridae là loài cá cảnh biển được ưa chuộng phổ biến nhất hiện nay. Chúng đứng đầu danh sách các loài cá nhập khẩu vào Mỹ và Châu Âu, với hơn 45 quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng sinh vật cảnh biển trên toàn cầu. Trong đó, hai quốc gia Phillipine và Indonesia chiếm 2/3 tổng sản lượng cá khoang cổ nemo xuất khẩu. Mỹ là nước nhập khẩu số lượng cá khoang cổ lớn nhất, với khoảng 650.000 con/năm, chiếm tới với hơn 80% số lượng cá nhập khẩu (Rhyne & cs., 2017). Thị trường châu Âu như Thụy Điển tăng từ 270 con năm 2014 lên hơn 3.700 con vào năm 2017 (Monica V. Biondon, 2018). Giá bán cá khoang cổ nemo xuất khẩu hiện tại dao động từ 2,0 – 3,5 đô la tùy thuộc vào kích cỡ và màu sắc. Cá được phân ra nhóm có nguồn gốc từ sản xuất giống nhân tạo có giá bán cao hơn so với giá cá cùng loài có nguồn gốc từ đánh bắt tự nhiên từ 20 - 25% (Alencastro & cs., 2005; Job., 2005).

 

 

Cá khoang cổ nemo sinh sản nhân tạo tại Viện Hải dương học

Tại Việt Nam, cá khoang cổ nemo chỉ hiện diện ở vùng ven bờ của một vài đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (Hà Lê Thị Lộc, 2010). Sản lượng khai thác, đánh bắt khoảng từ 3.000 – 5.000 con/năm, chỉ đáp ứng phần rất nhỏ so với nhu cầu thị trường. Tuy vậy, hoạt động khai thác quá mức kết hợp với phương thức khai thác thiếu khoa học đã hủy hoại các rạn san hô, khiến nguồn lợi cá nemo hoang dã nhanh chóng cạn kiệt. Vì thế, nghiên cứu sinh sản nhân tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất thương mại cá nemo nói riêng và cá cảnh biển nói chung để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm áp lực khai thác tự nhiên là hành động vô cùng cần thiết.

Xuất xứ từ Đề tài nhà nước KC.06.05/06-10 “Nghiên cứu qui trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương mại một số loài cá cảnh có giá trị xuất khẩu”, Dự án VAST.SXTN.03/17-18 “Hoàn thiện qui trình và thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương mại cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellari” và Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ số 10318/QĐ-SHTT ngày 12/02/2019 của Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KHCN cho đơn xin cấp nhận bằng sáng chế “Quy trình sản xuất giống cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellaris”. Đến nay, Viện Hải dương học đã làm chủ kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương mại cá nemo, hiện là nơi duy nhất sản xuất giống và cung cấp nguồn cá nemo từ sinh sản nhân tạo cho khắp cả nước. Quy trình kỹ thuật của Viện Hải dương có thể ứng dụng quanh năm, sản xuất với số lượng lớn cá nemo đồng đều về kích cỡ, màu sắc, thích nghi nhanh với điều kiện nuôi nhốt và sạch bệnh, đảm bảo khả năng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, kỹ thuật này lại phổ thông, phù hợp và dễ dàng ứng dụng tại những trại sản xuất giống hải sản sẵn có. Tuy nhiên, điểm hạn chế là quy mô sản xuất còn chưa cung ứng đủ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, chưa xây dựng các phương án kinh doanh, tiếp cận các nguồn thông tin để kết nối cung – cầu, chuẩn bị các quy định pháp lý để đưa sản phẩm xuất khẩu. Do đó, Viện Hải dương học đã phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Ứng dụng Công nghệ Thủy Sản VINA cùng nhau thực hiện dự án “Dự án thương mại hóa cá khoang cổ nemo Amphiprion ocellaris đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”.

Dự án tiến tới mục tiêu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá khoang cổ nemo đạt năng suất 5.000 con/300m2/đợt, đề xuất giải pháp quản lý môi trường và phòng trị bệnh nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp trong quá trình sản xuất, xây dựng và vận hành mô hình trại sản xuất giống cá kc nemo đạt năng suất tối thiểu từ 5.000 con/300m2/đợt, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho các tỉnh ven biển và Doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản.

Kết quả thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã xác định hàm lượng 600 mg VC/kg thức ăn và 100g Selco/kg thức ăn bổ sung vào thức ăn nuôi vỗ cá khoang cổ nemo bố mẹ cải thiện tích cực đến hiệu quả sinh sản cá bố mẹ và chất lượng ấu trùng cá. Khuyến cáo thông số môi trường tối ưu cho cá khoang cổ nemo bao gồm: nhiệt độ 26-28oC, độ mặn 30-35 ‰ pH từ 8,0 -8,5; NH3_N và NO2- <0,2 mg/l; DO 5-6 mg/L, chế độ sáng:tối là 15h:9h cho cá bố mẹ và 14-16h:10-8h cho cá con. Đề xuất biện pháp điều trị và phòng trị bệnh trên cá như sử dụng thuốc kháng sinh (bệnh vi khuẩn); formol, oxy già, nước ngọt, đồng sunfat,.. (bệnh ký sinh trùng và nấm), tiêm vaccine (bệnh vi khuẩn và virus), quản lý môi trường, chế độ ăn và cho ăn hợp lý.

Dự án cũng đã thiết kế, xây dựng và vận hành mô hình trại sản xuất giống cá khoang cổ nemo 300m2 tại Công ty TNHH Sản xuất và Ứng dụng công nghệ Thủy sản VINA thuộc xã Lương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Quá trình vận hành sản xuất và xuất bán trên thị trường, bước đầu tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy doanh thu hàng năm dự kiến khoảng 700.000.000 đồng và thời gian hoàn vốn là 10,5 tháng.

Sơ đồ trại sản xuất giống và nuôi thương mại cá khoang cổ nemo diện tích 300 m2 tại Công ty TNHH Sản xuất và Ứng dụng công nghệ Thủy sản VINA

Với nhãn hiệu hàng hóa được thiết kế “Nemo farm Việt Nam” được bảo hộ và thuộc quyền sở hữu Viện Hải dương học, dự án bước đầu thực hiện các chiến lược quảng bá sản phẩm, nhận diện thương hiệu, thiết kế logo trên toàn bộ bao bì đóng gói các sản phẩm cá khoang cổ nemo xuất bán trên thị trường. Toàn bộ sản phẩm cá khoang cổ nemo của dự án đều có hồ sơ chứng minh nguồn gốc thương mại xuất bán với cá khoang cổ nemo bố mẹ là thế hệ F1 thông qua hồ sơ cites và đảm bảo qui định sức khỏe thủy sản và an toàn sinh học đối với sản phẩm xuất nhập khẩu cá nemo làm cảnh qua các nước.

Về hợp tác sản xuất, xuất khẩu với các doanh nghiệp: Bước đầu hợp tác sản xuất và xuất khẩu cá khoang cổ nemo và các dòng đột biến với Công ty kinh doanh cá cảnh biển tại Tp. Hồ Chí Minh qua các nước Pakistan, Pháp, Đan Mạch, Kuwait.

Về đa dạng hóa sản phẩm: Để cải thiện chất lượng sản phẩm, dự án cũng đã thành công sản xuất giống các dòng Nemo đột biến bên cạnh loài cá khoang cổ Nemo nguyên bản, với chất lượng sản phẩm tốt hơn về màu sắc, kiểu dáng; đây là hướng đi đầy tiềm năng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như cải thiện kinh tế cho doanh nghiệp.

Về xúc tiến bán hàng: Đã áp dụng các hoạt động khuyến mãi, quà tặng dành cho khách hàng nhằm kích thích tăng lượng hàng hóa tiêu thụ; Xây dựng website và trang facebook bán hàng; Quảng bá sản phẩm và công nghệ sản xuất giống cá khoang cổ nemo thông qua các công bố thành tựu nghiên cứu mới trên báo và tạp chí.

Một số sản phẩm cá khoang cổ nemo đột biến của dự án

Kết quả dự án UDSPTM04/21-22 cũng đã xuất bản 02 bài báo trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển và Kỷ yếu Hội nghị quốc tế Biển đông 2022; 01 Chấp nhận đơn hợp lệ Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Cục Sở hữu trí tuệ; 01 Hợp đồng chuyển giao công nghệ; 01 Quy trình sản xuất giống cá khoang cổ nemo đạt năng suất 5.000 con/300m2 trại/đợt sản xuất; 01 Báo cáo vận hành trại sản xuất giống và nuôi thương mại cá khoang cổ nemo đạt năng suất 5.000 con/300m2 trại/đợt sản xuất; 01 Sổ tay hướng dẫn cụ thể việc thiết kế và vận hành bể nuôi cá khoang cổ nemo và sản phẩm thương mại là 15.000 con cá khoang cổ nemo có kích thước từ 3cm trở lên, khỏe mạnh, không dị tật, không mang mầm bệnh, và có màu sắc tươi sáng.

Từ những kết quả đạt được, dự án tiếp tục hướng đi xuất khẩu sản phẩm sinh vật cảnh biển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Với nhu cầu thị trường dòng cá khoang cổ nemo lai tạo ngày càng lớn, dự án mong muốn tiếp tục các nghiên cứu để mở rộng sản xuất giống loài cá này bên cạnh dòng cá khoang cổ nemo truyền thống. Dựa trên việc có sự giống nhau trong một số đặc điểm sinh học của các loài cá khoang cổ và cá thia trong họ cá Pomacentridae, các nhà khoa học Viện Hải dương học cũng đang từng bước thử nghiệm sinh sản nhân tạo, đa dạng nhiều loài cá không chỉ cho sinh vật cảnh biển mà còn góp phần phục hồi và bảo vệ nguồn lợi cá rạn san hô hoang dã.

Nguồn tin: Khắc Huynh, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ

You must be a registered subscriber in order to view this Article.
To learn more about becoming a subscriber, please visit our Subscription Services page.

Written By: Administrator Account
Date Posted: 9/13/2023
Number of Views: 133

Return
Error An error has occurred.
Error: Unable to load the Article Details page.

  
Copyright © 2012 - Oceanographic Data; GIS & Remote Sensing Application
  Search